Nỗ lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Nỗ lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Vĩnh Linh (Quảng Trị) là một huyện có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, 70% lao động là nông dân, 80% dân cư sống ở vùng nông thôn. Đây là lực lượng lớn, chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
hực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (CT MTQG) về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Linh đã xác định rõ tính tổng thể của chương trình, đó là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống chính trị; thu hẹp khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, miền núi với đồng bằng. Bởi vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ dựa vào chủ thể là nông dân mà đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực của xã hội để thực hiện mục tiêu chương trình.
 

Chăm sóc cây cao su ở Vĩnh Linh - Ảnh: HỒ CẦU


Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra 3 chủ trương lớn có tính chiến lược bền vững, trong đó công tác xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; giao trách nhiệm cho UBND huyện chủ động triển khai một số công việc như: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện CT MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thôn thành lập Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn để thực hiện chương trình; tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Ngoài xã Vĩnh Lâm được tỉnh chọn làm thí điểm, huyện Vĩnh Linh đã chọn một số xã để chỉ đạo làm điểm ở huyện. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, ban, ngành trong huyện đã vào cuộc tích cực, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung CT MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đến các tầng lớp nhân dân, từ đó đi đến thống nhất về mặt nhận thức, quyết tâm thực hiện chương trình hành động về xây dựng nông thôn mới. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy, các cấp ủy đảng trong huyện đã bổ sung nội dung CT MTQG xây dựng nông thôn mới vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015 và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh cũng như các danh hiệu thi đua khác. Nhờ vậy, bước khởi động thực hiện chương trình đúng hướng và tạo sự chuyển biến tích cực. 

Xác định tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ hàng đầu có tính quyết định về nhận thức và hành động của nhân dân, thu hút sự vào cuộc và tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo của huyện đã hướng dẫn các Ban quản lý cấp xã, Ban phát triển các thôn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp dân. Các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi…cấp huyện cũng như cấp xã lồng ghép các hình thức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới khá đa dạng và hiệu quả, đem lại tiếng nói chung, cách nhìn mới về mục đích của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 

Các xã, thôn, bản cũng đã triển khai lồng ghép các hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới qua các cuộc họp, lấy ý kiến nhân dân. Phối hợp với các đoàn thể và tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương tổ chức các đợt phát động thực hiện “Chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức ký kết thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các thôn, bản, các đoàn thể. Riêng năm 2013, Vĩnh Linh đã tổ chức trên 100 buổi tuyên truyền, thu hút gần 17 nghìn người tham gia, đạt trên 85% kế hoạch đề ra . 

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cấp huyện còn phối hợp với Văn phòng điều phối của tỉnh tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý xây dựng nông thôn mới cho 120 cán bộ xã, trực tiếp tổ chức 5 lớp tập huấn cho cán bộ thôn, bản với 260 học viên tham gia đạt 100% so với kế hoạch. Tổ chức được 47 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.785 học viên ở các cơ sở, đạt 70% kế hoạch. Trong đó số lao động có việc làm sau học nghề là 1.335, đạt 68,8% so với kế hoạch. 

Qua 3 năm triển khai CT MTQG xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Linh đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều mô hình hay, có tính sáng tạo trong việc tập hợp sự đầu tư của người dân như: “Mô hình phân nhóm công việc gắn với trách nhiệm xây dựng NTM” của xã Vĩnh Thủy, “Mô hình thắp sáng đường quê” của xã Vĩnh Thạch. Nhiều cá nhân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh, kinh tế. Nhân dân tự nguyện tháo dỡ tường rào, cây cối để chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm. Các hộ gia đình đã xây mới các công trình vệ sinh, chuồng trại nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan nông thôn theo hướng hiện đại. 

Đến cuối năm 2013, Vĩnh Linh có 13/19 xã hoàn thành đề án xây dựng NTM, 12/19 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 3 xã đạt 7-9 tiêu chí, 2 xã đạt 5-7 tiêu chí, 6 xã điểm về xây dựng NTM đều đạt trên 10 tiêu chí. Trong đó, các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thạch đạt từ 15 đến 16 tiêu chí. Tổng vốn đầu tư từ các nguồn hỗ trợ của CT NTM, vốn lồng ghép, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp lên đến trên 303,3 tỷ đồng. Riêng xã Vĩnh Thạch, địa phương được Chủ tịch nước đỡ đầu xây dựng nông thôn mới đã được sự đầu tư của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn hỗ trợ 100 con bò giống cho 50 hộ nghèo, trị giá 2.200 triệu đồng; Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội hỗ trợ 1.000 tấn xi măng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trị giá 1.180 triệu đồng. 

Từ nay đến năm 2015 huyện Vĩnh Linh phấn đấu có trên 20% xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trên 40% số xã đạt trên 70% tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và đến năm 2020 có 2/3 số xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Số xã còn lại đạt 70% tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ để tạo đà cho bước phát triển tiếp theo. 

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Linh thực sự đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút sự tham gia của cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội, đem lại thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến, đảm bảo cho việc giao thương và phát triển sản xuất. Kinh tế nông thôn được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, mở rộng ngành nghề dịch vụ, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; nhân dân đã phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, tích cực trong công tác bảo vệ an ninh trật tự ở nông thôn. Từ đó vị thế của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Những kết quả đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn Vĩnh Linh. 
Phương Mai
Nguồn: 
baoquangtri.vn