Nỗi lo nông sản Việt bị cướp tên

"Mất bò mới lo làm chuồng" vẫn là vấn đề muôn thuở của nông sản Việt trước tình trạng thường xuyên bị xâm hại sở hữu trí tuệ, thậm chí bị "cướp tên", chiếm đoạt thương hiệu cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, tổ chức và địa phương chưa thực sự quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản.

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), cho biết đang đề xuất Bộ NN&PTNT và Cục Hải quan Tp.HCM giám sát tình trạng xâm hại quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1.

Đây là loại trái cây được lai tạo giống mà công ty đã nhận chuyển giao bản quyền từ Viện Cây ăn quả miền Nam với giá 5 tỷ đồng, thời hạn bảo hộ đến năm 2037.

Thiệt hại lớn

Theo ông Huy, có nhiều doanh nghiệp (DN) khác đang lạm dụng giống thanh long ruột đỏ LĐ1 để xuất khẩu (XK) mà không thông qua phía công ty sở hữu bản quyền giống trái cây này. Điều đó dẫn đến việc có những DN XK với mức giá thấp, không đúng chất lượng sản phẩm mà Hoàng Phát Fruit đưa ra.

"Trước đây, chúng tôi XK loại trái cây này với giá 3,5 – 4 USD/ kg, nhưng do tình trạng xâm phạm SHTT và cạnh tranh không lành mạnh nên giá giảm chỉ còn 2 – 2,5 USD/kg. Một khi đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, chúng tôi buộc phải làm lại hợp đồng với nông dân có mức giá thấp hơn so với ban đầu đưa ra. Việc này rõ ràng gây thiệt hại lớn đến phía công ty và nông dân", ông Huy nói.

Trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo về bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tổ chức ở Tp.HCM ngày 31/10, ông Huy cho biết cụ thể thêm, trước đây, công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái thanh long ruột đỏ LĐ1 với nông dân là 30.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra tình trạng xâm hại SHTT, hợp đồng mới với nông dân phải giảm giá một nửa, chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Được biết, mỗi năm Hoàng Phát Fruit XK khoảng 6.000 – 8.000 tấn trái thanh long ruột đỏ LĐ1. Thế nhưng, sau khi bị nhiều DN khác ở trong nước và thậm chí ở những quốc gia lân cận sử dụng giống trái cây này để XK tràn lan, công ty mất lợi thế trên thị trường, lợi nhuận sụt giảm.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc bảo hộ giống cây trồng là một dạng SHTT và chủ sở hữu có quyền được độc quyền khai thác giống. Việc bảo hộ này cũng có những đặc thù riêng so với các dạng SHTT khác.

Ông Tùng lưu ý Điều 12 và 13 của chương 2 Nghị định số 31/2016/ NĐ-CP có nêu rõ việc vi phạm quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng với nhiều hình thức xử phạt bằng tiền với mức cao nhất là 50 triệu đồng.

nong-san-viet-JPG-7866-1541003786.jpg

Nông sản Việt trước thách thức bảo hộ sở hữu trí tuệ

Đừng "mất bò mới lo làm chuồng"

Đặc biệt, hành vi sử dụng quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ Bằng bảo hộ để sản xuất hoặc nhân giống, chế biến, chào hàng, XK, nhập khẩu…

Có thể thấy tình trạng xâm hại SHTT đối với nông sản Việt vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Không những vậy, có nhiều DN, nhà sản xuất, tổ chức và địa phương chưa thực sự quan tâm tới bảo hộ SHTT cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản đạt được uy tín trên tầm quốc tế.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy trên toàn quốc có hơn 800 sản phẩm nông lâm thủy sản có uy tín, phân bố trên 720 địa phương khác nhau.

Thế nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền SHTT.

Trong số đó chỉ số ít là được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như Nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Mê Thuột, Chè Thái Nguyên, Thanh long Bình Thuận, Vú sữa Lò Rèn…

Do chưa quan tâm đúng mức đến bảo hộ quyền SHTT nên một số thương hiệu nông sản Việt bị lạm dụng hoặc bị "cướp tên", chiếm đoạt ở nước ngoài, phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được như các vụ Nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Mê Thuột.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay, không ít nông sản Việt XK thông qua các thương hiệu nước ngoài. Có những sản phẩm đã được Nhà nước bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, dẫn đến bất lợi lớn trong cạnh tranh.

Gs.Ts Võ Tòng Xuân cho biết, khi không đăng ký thương hiệu, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam bị công ty khác chiếm đoạt và đăng ký quốc tế như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, bánh Bibica, kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng rế Cái Bè, nước mắm Phú Quốc.

"Để cải thiện vấn đề này, thủ tục đăng ký sáng chế cần được đơn giản hóa trong điều kiện Việt Nam hiện tại, bởi nhiều nông dân tạo dựng được giống cây trồng mới, nhưng không đủ tài chính và trình độ văn hóa để làm thủ tục đăng ký", ông Xuân nhấn mạnh.

Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng phía Nam Cục SHTT (Bộ KH&CN), có lời khuyên với các DN trong ngành nông nghiệp là cần có chiến lược sản xuất kinh doanh và phát triển thương hiệu gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của DN. Đặc biệt là cần đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ ở trong nước và quốc tế để tránh "mất bò mới lo làm chuồng".

Thế Vinh/https://thoibaokinhdoanh.vn