Nội - ngoại hợp công, ngành nông phát triển

Là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút sự tham gia của các NĐT nước ngoài.

Nông nghiệp hút đầu tư nước ngoài

Vừa qua, tại chương trình "Kết nối DN Nhật Bản – Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp" do Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội tổ chức, đã có sự hiện diện của 13 DN Nhật Bản đang hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất lắp ráp nhà kính, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát triển phần mềm chuyên dụng trong nông nghiệp, tư vấn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Các DN Việt - Nhật đang trao đổi về cơ hội hợp tác

Là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút sự tham gia của các NĐT nước ngoài. Và đã có rất nhiều hoạt động hợp tác đầu tư từ phía nước ngoài trong ngành nông nghiệp vốn đang diễn ra hết sức sôi động trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Trước đó, 6 công ty Đan Mạch (gồm Skiold, Munters, Tornordic, Danbred, Vilomix, Haarslev) cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Tân Long, chính thức hóa việc ứng dụng công nghệ tiên tiến Đan Mạch vào các dự án của tập đoàn này.

Trong khi Tân Long là một trong những DN sản xuất và kinh doanh nông sản hàng đầu của Việt Nam hiện đang hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất lúa gạo và chăn nuôi heo với những dự án lớn được triển khai tại cả Việt Nam và Myanmar thì về phía Đan Mạch, 6 đối tác trên đều là các nhà cung ứng công nghệ, giải pháp nông nghiệp theo phương pháp chìa khóa trao tay nổi tiếng thế giới.

Thúc đẩy chuỗi giá trị kinh doanh

Trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác chiến lược này, công ty Skiold sẽ triển khai một dịch vụ trọn gói trị giá nhiều triệu Euro bao gồm: tư vấn, thiết kế và cung cấp thiết bị phục vụ cho việc chăn nuôi heo và cung cấp giải pháp trọn gói cho cụm nhà máy làm sạch, sấy khô và lưu trữ lúa gạo. Trong khi đó, Munters sẽ cung cấp giải pháp thông gió cho tất cả các dự án chăn nuôi heo của Tân Long. 

Các công ty DanBred và Vilomix sẽ cung cấp heo giống, chất premix có chất lượng cao nhất, cũng như các giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất cho các dự án chăn nuôi heo của Tân Long tại Myanmar và Việt Nam. Cuối cùng, công ty Tornordic và nhà thầu phụ Haarslev sẽ là đơn vị xây dựng và lắp đặt một nhà máy giết mổ và chế biến thành phẩm và nhà máy bột thịt xương cho Tân Long.

“Các công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm dày dạn của chúng tôi sẽ góp phần làm tăng hiệu suất của chuỗi hậu cần sản xuất, giảm chất thải cũng như đưa các giống gạo đặc sản Việt Nam lên chuẩn chất lượng cao nhất. Cùng với Tập đoàn Tân Long, chúng tôi hy vọng mang lại nhiều lợi ích cho ngành chăn nuôi heo thịt Việt Nam với nền tảng công nghệ hiện đại nhất cũng như triết lý của Đan Mạch về chuỗi giá trị 3F theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn (Thức ăn gia súc - Trang trại chăn nuôi - Thực phẩm) góp phần đảm bảo ATTP và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc”, ông Lasse Vegiegand Hansen, Tổng Giám đốc Skiold kỳ vọng.

Vào tháng 7/2018, Tân Long cũng được IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) hợp tác với VPBank cung cấp gói bảo lãnh giao dịch hàng hóa lên đến 50 triệu USD, giúp tập đoàn này đa dạng hóa hoạt động thu mua nông sản. Theo ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, thì lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt khi sự tăng trưởng trong tương lai gắn liền với mức độ gia tăng hiệu quả, đa dạng hóa và giá trị.

Bởi vậy, mô hình quan hệ đối tác này với VPBank và Tân Long là rất cần thiết để tăng cường tính cạnh tranh của chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam.

Sự tham gia của các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT có công nghệ cao và bề dày kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển đang thực sự góp phần giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất gắn với bảo vệ đất, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, hợp tác trong nông nghiệp là một lĩnh vực còn khá mới và đang được rất nhiều DN hai bên quan tâm. Vì vậy Jetro đã và sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện kết nối như vừa qua để DN hai bên có cơ hội tìm hiểu và hiện thực hóa các khả năng hợp tác.

Khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Hironobu Kitagawa cho biết, các DN Nhật tham gia chương trình kết nối vừa qua nhằm giới thiệu các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp của mình, qua đó một mặt nắm bắt quan tâm và nhu cầu của phía DN Việt Nam, mặt khác muốn tiến tới hợp tác, hoặc xuất khẩu các kỹ thuật, công nghệ đó vào thị trường Việt Nam.

“Qua hợp tác về kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp, chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp và tôi đánh giá rất cao năng lực của DN Việt Nam trước việc nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ cao mà các DN Nhật cung cấp”, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội nói.