Nông Sản Việt tìm đường "xuất ngoại"

Nông Sản Việt tìm đường "xuất ngoại"
Trong bối cảnh nền kinh tế mở, nhiều mặt hàng nông sản Việt đang tìm cho mình hướng phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, tạo giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mận Sơn La chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Campuchia

Ngoài các sản phẩm như nhãn, xoài, na Mai Sơn, năm 2019 tỉnh Sơn La đã có thêm một loại nông sản mới là quả mận được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Campuchia.

f9a55b9080d1698f30c01.jpg

Sơn La chú trọng tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại trong việc đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. (Tuệ Linh)


Những năm trước, cứ vào vụ thu hoạch mận chị rất lo lắng vì giá cả bấp bênh, không ổn định. Nhưng năm nay biết thông tin có doanh nghiệp đến tận nơi thu mua mận để xuất khẩu ra nước ngoài chị và bà con trong bản rất yên tâm. Bà con tin tưởng nếu có nơi tiêu thụ ổn định thì giá cả sẽ cao hơn và không còn lên xuống thất thường như những năm trước.

Để đáp ứng nhu cầu của việc thu mua mận xuất khẩu, những ngày này các hộ dân tại huyện Yên Châu đang tập trung tất cả nguồn nhân lực để hái mận, chuyển về điểm tập kết.
Trong vụ thu hoạch mận 2019 tại Sơn La, đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân là Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ.

Theo đại diện hợp tác xã cho biết, sau một thời gian tìm hiểu thị trường, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Uniseed thu mua 5.000 tấn quả mận hậu tươi trên địa bàn tỉnh Sơn La với tổng giá trị lên tới 40 tỷ đồng.

Trong tháng 5, hợp tác xã cùng với đơn vị bao tiêu xuất khẩu hơn 100 tấn sang thị trường Campuchia theo đường chính ngạch. Số mận còn lại sẽ được đơn vị thu mua đưa vào nhà máy để chế biến nước ép và mận sấy dẻo.

Tính trung bình, mỗi kg mận hậu sẽ có giá từ 8-12 nghìn đồng tùy loại. Qua đó, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, không lo rớt giá và thị trường bấp bênh.

Ông Đào Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế tại Sơn La đó là sản lượng mận hậu hàng năm rất lớn, quá trình chăm sóc của người dân rất vất vả nhưng khi đến mùa thu hoạch lại rớt giá, vì vậy, hợp tác xã đã có định hướng giúp cho bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, đơn vị cũng tiến hành ký kết với các doanh nghiệp lớn để thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân.

Hiện nay tỉnh Sơn La có hơn 8.000ha mận, tổng sản lượng quả tươi trung bình mỗi năm gần 50 nghìn tấn.

An Giang sẽ xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ trong tháng 6

Ông Lữ Cẩm Khường - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trong tháng 6/2019, An Giang sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 5 đến 10 tấn xoài.

Trong những năm gần đây, nông dân An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác, vì vậy diện tích cây ăn trái; trong đó có xoài gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ xoài An Giang hiện chỉ tập trung tại nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc; xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo ông Lữ Cẩm Khường, việc xuất khẩu xoài sắp tới đây sang Mỹ sẽ là bước ngoặt quan trọng mở ra hướng đi mới cho trái xoài An Giang trong thời gian tới.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, để chuẩn bị cho lô hàng xoài xuất khẩu sang Mỹ, thời gian qua Sở đã phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên để thống kê, rà soát số lượng, kiểm tra chất lượng, dư lượng, nguồn hàng xoài cát Hòa Lộc, xoài ba màu, xoài keo… để phục vụ xuất khẩu.

Để trái xoài An Giang xuất khẩu ổn định qua thị trường Mỹ và chinh phục các thị trường khó tính khác trong tương lai, trước đó, Ủy ban nhân dân các huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về việc phối hợp sản xuất và xuất khẩu xoài tại 3 huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên tỉnh An Giang.

Bên cạnh đó, Công ty Trái cây Chánh Thu cũng đã thống nhất hợp tác với huyện Tri Tôn và Tịnh Biên về xây dựng vùng nguyên liệu xoài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật canh tác, đảm bảo tiêu chuẩn để công ty xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nhất là thị trường Mỹ.

ttxvn_1505xoai3_11.jpg

Ảnh minh họa. 

Xúc tiến xuất khẩu bơ vào thị trường Mỹ

Sau gần 10 năm đàm phán để xoài được chính thức xuất sang Mỹ, Việt Nam hiện đang đẩy mạnh công tác xúc tiến để đưa bơ vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2018 nước này đã chi 2,35 tỷ USD để nhập 1,04 triệu tấn bơ. Quả bơ được 51% các hộ gia đình tại Mỹ tiêu thụ, số tiền trung bình một hộ gia đình tại Mỹ dành để mua quả bơ là 24,5 USD/năm.

Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho biết, hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao: Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối; các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là một loại trái cây dùng để ăn liền, nên các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm.

Cũng theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Việt Nam hiện có nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm. Tuy nhiên giá trị hàng hóa quả bơ Việt Nam còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Để phát huy tiềm năng của cây bơ cũng như thúc đẩy xuất khẩu quả bơ vào các thị trường mới, trong đó có Mỹ khi được mở cửa thị trường, Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao, đặc biệt có chiến lược quảng bá tiếp thị hiệu quả.

Nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ có thể sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của nước ta.

bo-loai-1-of-dakado-selected.jpg
Nhãn hiệu hàng hóa và sản phẩm trái bơ Dakado. (PV)

Khẩn trương chuẩn bị đưa sữa xuất sang Trung Quốc

Sau khi ký Nghị định thư về xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định thư này.

Về giám sát dịch bệnh, đối với sữa tươi nguyên liệu, Nghị định thư chỉ yêu cầu giám sát 3 bệnh ở cấp trang trại, gồm: Lở mồm long móng (LMLM), nhiệt thán và lao bò. Do đó, các địa phương sẽ giám sát đối với trang trại bò sữa do địa phương quản lý. Các trang trại bò sữa có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Trung ương quản lý sẽ do Cục Thú y giám sát. Hiện Cục Thú y đang soạn dự thảo hướng dẫn giám sát LMLM, nhiệt thán, lao bò tại các trại bò cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho nhà máy sản xuất sữa xuất khẩu. Đối với các nguyên liệu sữa khác thì sử dụng kết quả chứng nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.

Về giám sát an toàn thực phẩm, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu và sẽ triển khai lấy mẫu giám sát từ tháng 6/2019. Các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giám sát sữa nguyên liệu theo yêu cầu của Nghị định thư. Sữa thành phẩm cũng sẽ được lấy mẫu giám sát.

Về giấy chứng nhận kiểm dịch, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc để trao đổi, thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cung cấp mẫu dấu và mẫu chữ ký của các cơ quan kiểm dịch và cán bộ kiểm dịch.

vna_potal_vinamilk_xay_dung_trang_trai_bo_sua_quy_mo_8000_con_tai_tay_ninh_3850164.jpg

Đàn bò sữa của trang trại sữa Vinamilk tại Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh).

Về đăng ký doanh nghiệp, sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc để hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký code. Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gửi công văn về Cục Thú y. Cục sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của các doanh nghiệp trước khi gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc. Đồng thời chuẩn bị tiếp đón và làm việc với thanh tra của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (trong trường hợp thanh tra sang kiểm tra từng doanh nghiệp trước khi cấp code). Khi doanh nghiệp và sản phẩm được chấp thuận, sẽ được cấp code và có tên trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Lúc ấy doanh nghiệp bắt đầu được xuất khẩu.

Liên quan tới việc tiếp đón và làm việc với thanh tra của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phải chuẩn bị hồ sơ về các chương trình và kết quả giám sát, gồm giám sát quốc gia và giám sát của doanh nghiệp; chuẩn bị các hồ sơ về quá trình sản xuất của doanh nghiệp; điều kiện vệ sinh thú y của nhà máy sản xuất.

Đến thời điểm này, có 8 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu sữa sang Trung Quốc là Vinamilk, TH True Milk, Ba Vì Milk, Nestlé Việt Nam, Nutifood, Enovi và FrieslandCampina Việt Nam.

Theo Thanh Tâm(tổng hợp)/kinhtenongthon.vn