Những năm qua, nông dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ sản xuất chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hộ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần khu vực nông thôn. Nhận thức của nông dân về kinh tế, văn hóa, xã hội, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, đoàn thể; nhờ phát huy dân chủ đã khơi dậy được sức dân và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện nghị quyết và xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Ðinh Minh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Chúng tôi xác định phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững’’ là phong trào hành động tại cơ sở, nhằm góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh; thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu thụ nông sản. Ðây là tiền đề thúc đẩy từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ chủ trương đó, hằng năm Hội Nông dân tỉnh Lào Cai ban hành quyết định giao chỉ tiêu thi đua trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký phấn đấu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cuối năm bình xét, nêu gương để thúc đẩy phong trào. Ngoài việc giao chỉ tiêu thi đua, lãnh đạo Hội trực tiếp chỉ đạo các ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về nội dung, mục đích, ý nghĩa phong trào, tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng.
Chủ động phối hợp Hội Nông dân các cấp tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân kiến thức khoa học - kỹ thuật, giới thiệu mô hình, kinh nghiệm sản xuất, vốn vay, tuyên truyền, động viên, khuyến khích, giúp đỡ, hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nông dân sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, suy tôn sản phẩm tiêu biểu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm,.. Nhờ vậy, nông dân tự tin mạnh dạn đầu tư vốn, giống mới, lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội thi "Nhà nông đua tài" với chủ đề xây dựng nông thôn mới từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đã có gần 100 đội tham gia dự thi với hơn 700 thí sinh tham dự, thu hút hàng chục nghìn người xem, qua đó đã phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật và tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng nông thôn mới.
Ðể nông dân chủ động, tích cực hơn trong xóa đói, giảm nghèo, các cấp Hội trong tỉnh hợp đồng ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ từ 17 chương trình cho vay do Hội Nông dân quản lý đạt hơn 665,3 tỷ đồng với hơn 19 nghìn lượt hộ vay, tại 654 tổ tiết kiệm và vay vốn, nợ quá hạn chiếm 0,083%. Phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chi nhánh Lào Cai cho vay theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tất cả chín huyện, thành Hội đã ký chương trình phối hợp chi nhánh Agribank, tín chấp thông qua tổ chức Hội đạt 1.054,4 tỷ đồng cho hơn 15.200 hộ vay tại 650 tổ liên kết để tập trung đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Qua rà soát bình xét hộ sản xuất, kinh doanh giỏi theo tiêu chí mới gắn với tiêu chí nông thôn mới, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập cao trong năm là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Ðiển hình như gia đình ông Thào Thắng, dân tộc Mông, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm; ông Tẩn Vần Chẳn, dân tộc Dao xã Nậm Cang huyện Sa Pa thu nhập 650 triệu đồng/năm; bà Cổ Thị Quân, dân tộc Tày xã Vĩnh Yên huyện Bảo Yên thu nhập 320 triệu đồng/năm… Ðáng chú ý, hầu hết các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là hộ chủ động, mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông lâm ngư nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa,.. Ðặc biệt, có một số hộ tự nghiên cứu học tập đưa giống mới vào trồng thử nghiệm, đam mê ứng dụng mô hình mới, tìm tòi rút ra những kinh nghiệm sản xuất, vươn lên làm chủ được kỹ thuật như: mô hình trồng dứa, chuối mô; trồng và nhân giống quýt, cây ăn quả có múi, tam thất, sa nhân tím, chế biến gỗ, nuôi và chủ động sản xuất giống cá nước lạnh, lợn rừng, cá bỗng, vịt trời, đà điểu...
Từ hiệu quả của phong trào thi đua sản xuất giỏi, nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung được hình thành, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng tạo được đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Quy mô sản xuất của hàng nghìn hộ nông dân được mở rộng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở các địa phương như: lúa cao sản, ngô hàng hóa, chăn nuôi đại gia súc, chè, rau, hoa, quả, dược liệu chất lượng cao, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn trong những năm vừa qua, tạo nên khí thế thi đua xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Theo: Thắng Sơn/nhandan.com.vn