Nông dân Thái Bình thu hàng tỷ đồng nhờ cây phát lộc dịp Tết Nguyên đán
- Thứ sáu - 03/01/2020 18:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dọc theo quốc lộ 39A, đoạn qua xã Minh Tân, hầu như gia đình nào cũng chọn nghề trồng và làm thủ công sản phẩm từ cây phát lộc. Trước kia, các gia đình nơi đây chỉ trồng phát lộc để bán cành cho người dân cắm lọ chơi Tết với mong muốn có một năm phát tài, phát lộc nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng những năm gần đây, một số hộ dân đã nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm phát lộc không chỉ đẹp mắt mà còn độc, lạ, vừa làm tăng giá trị cho cây phát lộc vừa đáp úng nhu cầu chơi cây cảnh của người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của Phóng viên Dân Việt, tại khu vực thôn Duy Tân, xã Minh Tân giá cây phát lộc năm nay cao hơn năm ngoái. Cụ thể đối với cây phát lộc loại nhỏ mức chênh lệch từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, còn loại to từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy sản phẩm.
Một sản phẩm loại kích cỡ nhỏ làm từ cây phát lộc.
Trước đây, người dân xã Minh Tân cũng gắn bó với nghề trồng lúa song do chân ruộng cao, cây lúa kém hiệu quả nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây cảnh, đào, quất và đặc biệt là cây phát lộc. Cây phát lộc đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Đình Phùng, xã Minh Tân cho biết: “Nghề trồng cây phát lộc xuất phát từ thôn Đình Phùng rồi mở rộng sang các thôn lân cận là Duy Tân, Hưng Sơn. Song làm tháp phát lộc và các sản phẩm từ cây phát lộc lại chủ yếu tập trung ở thôn Đình Phùng. Trong thôn có 80 - 90% hộ dân tham gia trồng và làm tháp phát lộc. Vì vậy, mọi người hay gọi thôn Đình Phùng là “Làng phát lộc”. Thu nhập từ cây phát lộc cao hơn cấy lúa gấp 3 - 4 lần. Sản phẩm tạo ra từ cây phát lộc giá trị cũng cao gấp 4 lần so với bán cành. Cùng với cây đào, cây phát lộc từ lâu đã trở thành cây làm giàu chủ yếu của người dân nơi đây. Mỗi năm, thôn Đình Phùng thu từ phát lộc từ 10 - 15 tỷ đồng. Năm 2019, thu nhập bình quân của thôn ước đạt 45 triệu đồng/người (cao nhất xã).
Ông Nguyễn Văn Giảng, hộ dân tiêu biểu tại thôn Duy Tân, xã Minh Tân (Đông Hưng) chia sẻ: “Mặc dù năm nay chúng tôi bán cây phát lộc giá cao hơn năm ngoái nhưng tới thời điểm này gần như không còn hàng để bán. Hôm qua 2 xe ô tô tải từ các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hưng Yên về lấy hàng nhưng chúng tôi đều lắc đầu, không thể đáp ứng nổi nhu cầu của thị trường. Nếu năm ngoái phải đến những ngày cận Tết mới hết hàng thì năm nay hàng đã hết từ trước Tết cả tháng”.
Là một trong những hộ dân trồng nhiều cây phát lộc nhất xã Minh Tân, anh Nguyễn Đăng Thuyết, thôn Đình Phùng là hộ đầu tiên nghiên cứu, sáng tạo làm ra những tháp, bình, thuyền từ cây phát lộc, với quy môn sản xuất, kinh doanh lớn, gia đình anh không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Thuyết chia sẻ: “Gia đình tôi hiện nay có 3 cơ sở làm phát lộc, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 8000 nghìn chậu cây phát lộc, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 120.000 – 150.000 đồng/người/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tôi thường xuyên nghiên cứu, sáng tạo để cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm. Trước tháp phát lộc chỉ cao từ 3 – 5 tầng, rồi 11 – 15 tầng, giờ tôi còn làm cả tháp 19 tầng. Ngoài tháp ra, tôi còn tạo nhiều hình khác như: lộc bình, hồ lô, lọ phát lộc các loại… Với nhiều kiểu dáng, kích cỡ, mọi người có thể chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình”.
Lục bình được làm từ 300 cây phát lộc, giá bán giao động khoảng 4 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với năm trước.
Dưới bàn tay khéo léo của người dân Minh Tân, các sản phẩm làm thủ công từ cây phát lộc ngày càng đa dạng và lạ mắt. Một chậu phát lộc sẽ chơi được từ 1 – 2 năm. Nếu khách chịu khó chăm, tỉa có thể chơi tới 3 năm. Cây phát lộc có ý nghĩa mang lại tài lộc cho gia chủ nên những dịp cuối năm khoảng đầu tháng 12 xã Minh Tân lại tấp nập thương lái đến mua.
Chị Phạm Thị Mai, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Tôi thường sang xã Minh Tân mua chậu phát lộc về bán tại Bắc Giang và Hà Nội. Các nơi tôi bán họ rất thích vì phát lộc của xã Minh Tân làm đẹp, mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, độc lạ và đặc biệt không có mùi, đây là lần thứ 2 trong vụ năm nay tôi đến thu mua hàng về bán, khi tới tay khách hàng tại Bắc Giang và Hà Nội giá đã tăng gấp đôi so với giá nhập hàng, mỗi chuyến tôi lãi cả trăm triệu đồng”.
Năm nay, sức tiêu thụ phát lộc và giá bán cao hơn năm ngoái nên người trồng và làm phát lộc có một mùa bội thu, hứa hẹn một cái Tết sung túc, đủ đầy.
Theo Phạm Hưng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây