Nông dân Việt Nam năng động trong sản xuất, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới

Nông dân Việt Nam năng động trong sản xuất, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới
Từ nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân trong cả nước đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân hăng hái tham gia phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động.Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi và làm giàu đã và đang phát triển sôi động trong cả nước.
Nông dân trẻ học nghề tại các trang trại lớn


Trong sản xuất, nhờ cơ chế quản lý mới và sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp, hầu hết các tỉnh, thành đã mở hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.


Nhiều tỉnh đã tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài”, “Kiến thức nhà nông” “Nông dân giỏi”, “Liên hoan nông dân - thanh niên làm kinh tế giỏi” đạt kết quả như: Bình Thuận, Hà Tây, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Lai Châu…


Thông qua hội thi, phong trào có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hội viên, nông dân đã nâng cao nhận thức về Hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nông dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội.


Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân cả nước quyết tâm vươn lên xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; đổi mới cách nghĩ, cách làm; khai thác tiềm năng, thế mạnh về tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất.


Bình quân hàng năm, số hộ nông dân đăng ký phấn đấu danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” tăng 16,7%, số hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng 13,6% so với 5 năm trước.
Năm 2018, số hộ đăng ký chiếm 55% tổng số hộ nông dân cả nước (trên 7 triệu hộ), trong đó, gần 65% số hộ (trên 4,6 triệu hộ) đã đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.


Nhiều địa phương có số hộ nông dân đăng ký và đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” chiếm tỷ lệ cao như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang...


Nông dân ngày càng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Hàng triệu hộ nông dân nghèo vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.


Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có; đóng góp xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 01 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.


Chất lượng phong trào được nâng lên rõ rệt: Trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trên 775 ngàn hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 505 ngàn hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 27 ngàn hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2007 - 2012.


Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Điển hình là: Ông Hà Tấn Tâm, hội viên nông dân khu Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ với mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt - chăn nuôi, cho thu nhập 13,5 tỷ đồng/năm; Ông Nguyễn Văn Thanh, hội viên nông dân - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội với mô hình trang trại chăn nuôi lợn khép kín công nghệ cao cho thu nhập bình quân 8,2 tỷ đồng/năm.


Ông Nguyễn Đăng Cường, hội viên nông dân thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với mô hình chăn nuôi (thuần hóa vịt trời thương phẩm -  trồng trọt, hàng năm cho thu lợi 4 - 6 tỷ đồng;  Ông Lê Quang Minh, hội viên nông dân chi hội ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với mô hình trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi gia cầm cho thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm; Bà Đặng Thị Dịu, hội viên nông dân khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với mô hình 10ha nuôi tôm he chân trắng phương pháp công nghiệp doanh thu 12 tỷ đồng/năm, lãi 3 tỷ đồng/năm... 


Những tấm gương nông dân say mê, miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, có nhiều sáng kiến, sáng chế về lai tạo giống cây, con; chế tạo máy nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm giá thành, chi phí, tiết kiệm thời gian và công - sức lao động cho người nông dân, như: Ông Phạm Văn Hát, hội viên nông dân xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu, chế tạo hơn 12 máy nông cụ phục vụ cho bà con nông dân; Ông Phạm Văn Hùng, hội viên chi hội nông dân ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; Ông Nguyễn Văn Dũng, chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã chế tạo nhiều loại máy được áp dụng vào sản xuất; Ông Bùi Sỹ Tới, hội viên chi hội nông dân thôn Trung Tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chế tạo máy cày, máy bừa từ động cơ xe máy phù hợp với ruộng bậc thang ở miền núi…


Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết về tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.


Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực cho việc xây dựng nông thôn mới.


Phong trào như một cuộc cách mạng, lôi cuốn hàng triệu hội viên, nông dân hưởng ứng, tích cực tham gia, lan tỏa rộng khắp đến mỗi người nông dân, hàng vạn gia đình hội viên, nông dân tự nguyện dỡ rào, chặt cây cối, hiến 24,7 triệu m2 đất thổ cư, đất sản xuất của gia đình mà không lấy tiền đền bù để mở đường, xây dựng các công trình công cộng ở nông thôn; đóng góp trên hai nghìn tỷ đồng, 29 triệu ngày công lao động để sửa chữa và làm mới 1,2 triệu km đường giao thông nông thôn, 1,4 triệu km kênh mương nội đồng, xây dựng đường điện hạ thế, phòng học, nhà trẻ, trường mầm non, trạm y tế và hàng ngàn nhà văn hóa xã, thôn, ấp, bản làng làm cho quê hương ngày càng khởi sắc...


Nhiều nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai có kết quả bước đầu. Nhiều cấp Hội đã đăng ký thực hiện, đảm nhận các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Hội với cấp ủy, chính quyền địa phương.


Nhiều chi, tổ Hội tự nguyện đảm nhận xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng các công trình, con đường mang tên Hội Nông dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng: Từ năm 2011- 2017, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường gấp hơn 5 lần giai đoạn 2001-2010.


Nhờ vậy, 99,4% số xã trên cả nước đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp như Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An.


Ô nhiễm môi trường ở nông thôn là vấn đề bức xúc nhưng trong những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực do xuất hiện ngày một nhiều các nhiều mô hình xử lý chất thải rác thải, phong trào cải tạo cảnh quan, môi trường sống của người dân như trồng hoa, cây xanh , sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.


Đến hết tháng 10/2018, cả nước đã có gần 3.600 xã và 55 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.


Phong trào nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người nông dân, góp phần chuyển dịnh cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút doanh nghiệp đầu tư, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người nông dân được nâng lên rõ rệt.


Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như: Ông Từ Thành Gia, hội viên Hội Nông dân xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hiến 7.500m2 đât; Ông Đỗ Quốc Trượng, hội viên nông dân xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, hiến hơn 7.000m2 đất; Ông Lã Văn Lỷ, chi hội Bản Đồn II, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn tự nguyện hiến 1.900m2 đất; Bà Lê Thị Kim Liên, hội viên nông dân xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lắp, tỉnh Đăk Nông đã hiến 1.800m2; Ông Y Nhữi, hội viên chi hội nông dân thôn Piơng, xã A Dơk, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đã hiến 1.800m2 đất; Ông Vũ Văn Nghĩa, hội viên chi hội nông dân ấp Tân Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiến hơn 400m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình công cộng.


Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, các phong trào thi đua của nông dân do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và phát động đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với những bước tiến mới cả về nội dung, hình thức tập hợp, thu hút đông đảo nông dân tham gia, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng vào thành công của đất nước.
Theo Khánh Hải/hoinongdan.org.vn