Nông dân - chủ thể chung tay xây dựng nông thôn mới

Từ thực tiễn những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo của tỉnh Lâm Đồng trong xây dựng nông thôn mới đã khẳng định chủ trương này đã và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cư dân nông thôn. Từ các xã vùng ven thành phố đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đâu đâu cũng rộ lên phong trào nông dân chỉnh trang nhà cửa, hàng rào và hiến kế, hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập mà chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới không ai khác chính là người nông dân.
Sản xuất hành lá trong nhà kính tại Lạc Xuân (Đơn dương). Ảnh: VĂN BÁU
Nhân dịp đầu xuân mới, những người làm công tác Hội chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một trong những gương sáng điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương là hộ ông Trịnh Văn Tùng, 45 tuổi, là hội viên Hội Nông dân Chi hội Nam Hiệp 1. Sau khi được tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nhằm đổi mới bộ mặt thôn xóm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, gia đình ông Trịnh Văn Tùng đã đăng ký xây dựng gia đình nông thôn mới, từng thành viên trong gia đình tập trung thực hiện và gương mẫu tham gia các phong trào, các công việc được chính quyền địa phương phát động. Khi có chủ trương hiến đất làm đường giao thông, gia đình ông đã sẵn sàng đóng góp từ 100 đến 150 triệu đồng xây dựng đường nông thôn, kênh mương thủy lợi, xây dựng hội trường thôn; mặt khác, ông còn tích cực đứng ra vận động bà con, lối xóm tự đóng góp được 250 triệu đồng cùng nhau tu sửa và nâng cấp các tuyến đường liên thôn bị xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa. Ông tâm sự: “Tôi nghĩ rằng mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, vì mục đích cuối cùng cũng chỉ là phục vụ cho nhân dân thuận tiện hơn, đời sống tốt hơn. Tôi thấy xã nhà giờ đây có nhiều chuyển biến, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tôi và bà con trong xóm trong xã rất phấn khởi…”. 
 
Để góp phần giữ vững xã nông thôn mới, gia đình ông Trịnh Văn Tùng luôn xác định phải tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện các phong trào và tích cực lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống, nâng cao mức thu nhập cho gia đình, nhiều năm liền là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế. 
 
Tương tự, tích cực, nhiệt tình, không ngại khó khăn, luôn gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, đó cũng là những lời khen ngợi của cấp ủy và nhân dân xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai dành cho ông Nguyễn Xuân Nghị, năm nay 51 tuổi, một trong những tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Nghị là người đi đầu trong việc đóng góp tiền và tuyên truyền, vận động bà con tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, hiến đất làm đường và ngày công sửa chữa đường giao thông. Ông đã hiến trên 2.000m2 đất và ủng hộ ba ca máy múc và khoảng 100 xe đất để làm đường giao thông, đầu tư xây dựng và tu bổ các công trình thủy lợi, đảm bảo nhu cầu tưới nước thường xuyên cho cây trồng.
 
Nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình để đạt tiêu chí về thu nhập, với tổng diện tích đất sản xuất của gia đình gồm có 10ha; trong đó có 6ha trồng cây keo lai, 1ha mía, 1ha điều ghép và 2ha cây ăn trái. Bên cạnh việc áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa; gia đình ông Nghị còn đẩy mạnh việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện. Qua đó, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, giúp nhiều hộ gia đình khó khăn cùng vươn lên trong cuộc sống, từng bước tạo dựng kinh tế bền vững, giải quyết công ăn việc làm cho 3-5 lao động hàng năm. 
 
Và còn rất nhiều tấm gương có sức thuyết phục bằng những việc làm thiết thực trong xây dựng nông thôn mới như ông Trần Minh, xã Đạmbri, thành phố Bảo Lộc, tự nguyện hiến 75m2 đất, đóng góp 32 triệu đồng, 34 ngày công để làm đường. Ngoài ra, với vai trò là chi hội trưởng, ông đã vận động nông dân xây dựng được 7 ao cá và 2 mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới; ông Nguyễn Nhơn, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng tự nguyện hiến 230m2 để mở rộng đường giao thông liên thôn, góp 18,7 triệu đồng, 5 ngày công để giải phóng mặt bằng và tham gia giám sát thi công tuyến đường dài 1.365m. Đồng thời với cương vị là thành viên ban vận động, ông đã vận động nhân dân trong thôn đóng góp tiền và hiến đất để làm đường; ông Kon Sơ Ha Krang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông hiến 2.000m2 đất và cây trồng trên diện tích đất này để làm đường giao thông; ông Đỗ Trọng Dinh, xã Gung Ré, huyện Di Linh đã vận động 6 hộ dân hiến 6.400m2 đất để múc hồ dự trữ nước chống hạn và ngày công để làm 13 con đường nhựa dài 5.470m với tổng số tiền các hộ dân và gia đình ông đã đóng góp là 1,04 tỷ đồng; ông Lê Xuân Mai, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm vận động nông dân hiến 200m2 đất, 60 triệu đồng, 90 ngày công để rải đá 3,5km đường, 30 triệu đồng kéo đường điện dài 1,6km, xây dựng 14 cổng bờ rào và hàng trăm mét bờ rào, giúp các hộ xây mới 5 căn nhà trị giá 3 tỷ đồng; ông Đỗ Xuân Đoàn, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh hiến 500m2 đất, ủng hộ 22 triệu đồng, 65 ngày công và vận động nông dân cùng đóng góp 64,25 triệu đồng để làm đường; ông Nguyễn Đỗ Bình, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà ủng hộ 65 ngày công máy múc, máy ủi và 21 triệu đồng để làm 3,5km đường nông thôn; ông Phạm Văn Thanh, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên hiến 960m2 đất, ủng hộ 61 triệu đồng để cùng cùng với các hộ dân làm con đường dài 1.500m và tham gia giám sát 59 công lao động...
 
Có thể nói, việc tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của các hộ nông dân đã và đang lan tỏa tạo sức sống và là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nông dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt của mình và vai trò chủ thể của nông dân, nên việc xây dựng nông thôn mới đã thật sự trở thành phong trào sâu rộng trong nông dân, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi lớn, nông dân đã đóng góp 123 tỷ đồng và hàng chục ha đất, cây trồng và tài sản trên đất, hàng trăm ngàn ngày công, bỏ tiền cải tạo nhà cửa, đường thôn, ngõ xóm và xây dựng các công trình vệ sinh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 21 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 51 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cấp Hội Nông dân thông qua việc phát huy vai trò chủ thể của các hộ nông dân trong hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn được xác định là tiền đề, chuyển đổi mô hình sản xuất nâng cao đời sống là mục đích cốt lõi quyết định sự thành công chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.
Theo: baolamdong.vn