Nông dân còn “điêu đứng” vì giống kém chất lượng

Không ít nông dân đã phải ngậm đắng nuốt cay khi mua phải giống kém chất lượng, không phù hợp điều kiện canh tác từng vùng, có nơi mất trắng

Nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi của người nông dân càng ngày càng tăng. Ai cũng hiểu rõ, một nền nông nghiệp hướng đến cạnh tranh, xuất khẩu, làm giàu được thì phải bắt đầu từ khâu giống, cụ thể là ngành giống phải đạt trình độ, mang chất lượng quốc tế. Thế nhưng hiện nay, có thể nói,  ngành giống Việt Nam không đủ năng lực đáp ứng, đa số các loại giống phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hụt này, tung ra thị trường những loại giống kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.

Tuy nhiên, điều khiến người nông dân băn khoăn là không biết chọn loại nào phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Tình trạng giống giả, giống kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng. Tại hội thảo về giống, cây trồng, vật nuôi được tổ chức mới đây của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, chúng ta còn phải nhập tới 65% giống lúa lai, các loại giống nông nghiệp khác cũng phải nhập khẩu trung bình từ 70 – 90%, còn giống thủy sản thì gần chục năm nay chưa có một giống chất lượng cao nào...

 

ảnh minh họa

 

Thực tế cho thấy, cứ tới vụ sản xuất, các nhà cung ứng giống, các địa phương lại “nhao” lên vì vấn đề giống lúa lai, coi đây là lực lượng chủ công cho vụ sản xuất, lấy đó làm tiêu chí để phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương mình.

Tại các cuộc hội thảo, hội nghị, báo cáo tổng kết, những thông tin về số lượng, diện tích lúa lại canh tác, được triển khai tăng được coi là thành tích của địa phương đó. Thế nhưng tìm hiểu kỹ, hầu hết những giống lúa lai đó có nguồn gốc nhập khẩu. Thực tế này đã dẫn tới việc, không ít nông dân đã phải ngậm đắng nuốt cay khi mua phải giống giả, giống kém chất lượng, không phù hợp điều kiện canh tác từng vùng, có nơi mất trắng. Phũ phàng hơn, nhiều nơi, khi đến vụ sản xuất, bà con nông dân còn phải sử dụng cả giống thương phẩm làm giống bố mẹ. Lối canh tác, sử dụng tùy tiện này dẫn tới việc năng suất thấp, đi kèm với đó là chất lượng thấp, sức cạnh trạnh kém cỏi. Tổng kết năm 2014 cho thấy, xuất khẩu rau, củ, quả đã lập một mốc mới, đạt gần 1,47 tỷ USD. Thế nhưng, có tới trên 70% các giống là phải nhập ngoại. Hàng năm, có khoảng 1.000 tỷ đồng dành để nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, người dân có quyền đặt câu hỏi: Mỗi năm các nhà khoa học làm gì, nghiên cứu được bao nhiêu giống tốt cho nông dân? Tại sao nhà nghiên cứu ở các viện không tạo ra được sản phẩm nổi bật?

Có thể nói, giống cây trồng, vật nuôi của ta đã có sự tụt hậu rất lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân của tình trạng này nằm ở chuỗi các khâu liên hoàn như: Thiếu tầm chiến lược, các nghiên cứu chỉ tập trung vào các giống ngắn hạn, chính sách về nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống chưa phát huy hết tiềm năng của toàn xã hội. Một số chính sách triển khai thiếu đồng bộ. Công tác quản lý giống thời gian qua bị buông lỏng, dẫn tới việc phát sinh nhiều cơ sở làm giống giả, kém phẩm chất. Khi các cơ sở này bị phát hiện thì xử lý còn nhẹ, thiếu tính răn đe.

Năm 2015, dự báo thị trường nông sản có sự cạnh tranh khốc liệt do chủng loại hàng nhiều nước giống nhau. Chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ sản xuất, chọn tạo và nhân giống. Nông dân đang rất cần giống mới đủ sức cạnh tranh để duy trì sản xuất nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, tạo tiền để phát triển kinh tế lâu dài, nâng cao thu nhập, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài… Rõ ràng trách nhiệm của chúng ta là phải nắm bắt và đưa ngành giống vươn tới trình độ quốc tế. Một nền nông nghiệp muốn cạnh tranh thành công chắc chắn phải bắt đầu từ ngành giống đạt trình độ của quốc tế. Đòi hỏi chính đáng này đang rất cần câu trả lời của các nhà khoa học nông nghiệp./.

Phương Hà/VOV