Nông dân là "hạt nhân" xây dựng Nông Thôn Mới

Chính sách xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà Nước luôn hướng đến quyền lợi của người nông dân.
 

 

 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn nhấn mạnh trong buổi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bạc Liêu “việc xây dựng Nông thôn mới (NTM) là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rất là đúng, rất trúng và rất hợp với lòng dân và đã đi vào cuộc sống”, hầu hết các nơi hoàng thành và được công nhận chuẩn NTM thì đời sống của nông dân được cải thiện rõ nét, nông thôn kiểu mới, nhiều nơi thành nông thôn hiện đại. Tuy nhiên trong 5 năm gần đây khi kiểm tra, giám sát thì thấy nhiều nơi còn nóng vội, chủ quan.

Một là, nông dân là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Trong nền kinh tế ở nước ta, nông dân luôn là lực lượng lao động chủ yếu trong ngành nông nghiệp, là nguồn nhân lực dồi dào, quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, nhờ áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, nông dân đã sản xuất ra nông sản ngày càng nhiều, chất lượng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn là nguồn lực to lớn trong việc tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng: tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và các hoạt động dịch vụ. Điều này đòi hỏi người lao động phải mạnh dạn xóa bỏ cách nghĩ, cách làm cũ, thói quen tiểu nông, phải năng động nắm bắt nhu cầu của thị trường và dự đoán được xu hướng vận động của nó; đồng thời cũng cần có vốn, kỹ thuật, lao động để thực hiện bước chuyển đổi.

Ngoài ra, nông dân cũng chính là người trực tiếp ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào trong sản xuất, tăng quy mô tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của đất nước.

Hai là, nông dân là người trực tiếp xây dựng, giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn

Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bê tông, nhựa hóa nông thôn nối liền thôn, xóm, ấp liên xã là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó đạt được nhanh chóng khi người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng đường sá trong phát triển kinh tế - xã hội, tự giác đóng góp xây dựng cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, của địa phương. Đất nước ta còn nghèo, Nhà nước còn phải tập trung vào những dự án lớn như: đường quốc lộ, những cây cầu lớn, những nhà máy thủy, nhiệt điện v.v… Những việc xây dựng đường làng, đường liên thôn, liên xã phải chủ yếu do nhân dân đóng góp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng đã khó nhưng bảo vệ, tôn tạo hệ thống đường sá càng quan trọng hơn. Ông cha ta có câu “Của bền tại người”. Việc bảo quản, giữ gìn hệ thống đường sá nông thôn phải là công việc của chính bà con nông dân. Người nông dân cần cập nhật những kiến thức, hiểu biết và ý thức bảo vệ hệ thống đường nông thôn để phục vụ cho chính mình.

Nông thôn mới không thể thiếu hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy nông nội đồng… Những cơ sở vật chất đó phải do chính những người nông dân ở các vùng nông thôn cùng với Nhà nước xây dựng; đồng thời bảo quản, tăng cường công tác quản lý của chính quyền địa phương đối với những công trình.

Ba là, nông dân là những người trực tiếp đóng góp và đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống

Những yếu tố thuộc về lãnh đạo, quản lý như chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước rất quan trọng đối với việc hoạch định nội dung, bước đi và thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Song, nông dân là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc biến những đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới thành hiện thực. 

Quá trình xây dựng, hoach định đường lối, chủ trương cần thu thập ý kiến từ bà con nông dân, vì bà con nông dân hàng ngày va chạm trong thực tiễn cuộc sống, có thể cung cấp cho những nhà lãnh đạo, quản lý nhiều ý kiến hay, kinh nghiệm phong phú. Khi đường lối, chủ trường đã được thông qua cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm cho nông dân hiểu và thấy được những lợi ích thiết thực, giúp họ tự giác thực hiện.

Đảng chỉ thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình khi ý Đảng hợp lòng dân, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đường lối, chủ trương, của Đảng hợp lòng dân, được dân hiểu thì dù khó khăn đến mấy cũng được nhân dân tìm cách thực hiện. Dân ủng hộ nhiều chúng ta thắng lợi nhiều, dân ủng hộ ít chúng ta thắng lợi ít. Dân không ủng hộ chúng ta sẽ thất bại. Trong xây dựng quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng cần phải tham khảo ý kiến của bà con nông dân; cần quy hoạch ra sao để nông thôn mới vừa kế thừa được truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được yếu tố hiện đại, thuận tiện cho cuộc sống và sản xuất của nông dân.

Nông dân thu hoạch khoai lang ở Vĩnh Long

Bốn là, nông dân là những người trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

Cần phải tuyên truyền, vận động, giác ngộ để nhiều nông dân phấn đấu trở thành đảng viên làm cho lực lượng đảng viên nông thôn ngày càng đông đảo. Người nông dân phải tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội-nơi mình cư trú; tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nông dân phải tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng quan điểm, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần sao cho những quan điểm đó phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, của từng địa phương và đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nông dân.

Giai cấp nông dân phải tích cực tham gia xây dựng bộ máy chính quyền từng làng, từng bản, từng xã thật sự vững mạnh, luôn luôn giữ nghiêm kỷ cương phép nước, thực hiện dân chủ rộng rãi trong nhân dân. Nông dân không chỉ là những người xây dựng mà còn là những người bảo vệ chính quyền - Nhà nước.

Hiện nay, những thế lực thù địch đang tìm mọi cách chia rẽ các dân tộc, chia rẽ Nhà nước với nhân dân. Chúng tìm mọi cách khơi dậy những mâu thuẫn, khác biệt giữa lợi ích của nông dân với Nhà nước để gây nên tình trạng mất ổn định trong xã hội, cục bộ địa phương. Bà con nông dân cần nhận thức được những âm mưu thâm độc này, bình tĩnh giải quyết những mâu thuẫn đó bằng con đường đối thoại, tránh bị kích động, bị lôi kéo của kẻ thù.

Năm là, nông dân là chủ thể xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở các vùng nông thôn

Đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn là toàn bộ những hoạt động tinh thần của cư dân nông thôn mà chủ yếu là nông dân. Đời sống văn hóa tinh thần ở các vùng nông thôn bao gồm: phong tục tập quán, lối sống, quan hệ ứng xử giữa con người với con người, cách tư duy, hoạt động văn học - nghệ thuật ở các vùng nông thôn v.v…

Quan hệ giữa những người nông dân là quan hệ tình nghĩa thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng nhau. Trong thôn, trong xóm một người có việc mọi người xung quanh giúp đỡ, theo quan niệm “sống với nhau vì tình vì nghĩa không phải vì đĩa xôi đầy”; ra đường gặp người lớn tuổi phải chào dù không có họ hàng; thương người như thể thương thân, mối quan hệ gần gũi xóm giềng trong bà con nông dân phải được giữ gìn, bảo vệ và phát huy để giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xóm, làng văn hóa.

Giữ gìn những giá trị văn hóa là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng một đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở các vùng nông thôn. Việc khôi phục, giữ gìn những giá trị văn hóa như lễ hội, các hoạt động văn nghệ truyền thống như thơ ca, hò vè... là công việc của bà con nông dân. Chỉ khi nào khơi dậy được tính tích cực, nhiệt tình tham gia của quần chúng thì những hoạt động trên mới mang lại những hiệu quả thiết thực.

Sáu là, nông dân là chủ thể giữ gìn an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn

Giữ gìn an ninh, trật tự các vùng nông thôn, đảm bảo cuộc sống thanh bình cho bà con nông dân là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới Việt Nam.

Muốn giữ gìn không khí thanh bình trong các vùng nông thôn và phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực, từng gia đình phải quan tâm chăm lo giáo dục con cái, giáo dục những đạo lý, những truyền thống tốt đẹp của quê hương; đấu tranh với lối sống lai căng, thực dụng không phù hợp với thuần phong mỹ tục ở địa phương. Các vùng nông thôn cần tăng cường những hoạt động phối hợp cùng nhau giữ gìn, bảo vệ tài sản, an ninh trật tự trong từng địa phương.

Ông Môn khẳng định rằng “Nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng NTM, nhưng hiện nay có nhiều nơi nông dân chưa được làm chủ thể để được biết, được bàn, được làm, được quyết định, đó là tiêu chí cao nhất của công cuộc xây dựng NTM trong bối cảnh hiện nay”. 

Theo langmoi.vn