Nông dân miền núi vươn lên thoát nghèo
- Thứ tư - 24/06/2015 23:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Nguyễn Phan Bốn, Trưởng thôn An Châu phấn khởi cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện tại địa phương cùng nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo như thêm một luồng sức sống mới, 82 hộ dân trong thôn mạnh dạn cải tạo vườn tạp, thay đổi tập quán canh tác. Đất đồi, đất vườn được tận dụng phát triển sản xuất. Bây giờ ở thung lũng miền núi này đã có 3 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước 4,5ha, thu lãi bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm; 8 hộ trồng thanh long ruột đỏ; 25 hộ làm nghề ươm giống cây trồng với thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; đàn trâu, bò trong thôn cũng lên xấp xỉ 300 con...
Nói về việc phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Minh là người sớm "xoay xở" trong việc tìm kiếm học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt. Vì anh hiểu rằng, phát triển kinh tế nông trại không phải xuất phát từ phong trào mà cần có một sự nghiên cứu, tìm tòi khoa học trước đó. Đầu tiên anh đầu tư 1 hồ nuôi cá rồi đến 3 hồ, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ, anh quyết định thuê thêm đập Hòn Dòng mở rộng nghề nuôi cá bè. Theo anh Minh, sản xuất mà không có sự kiên trì, tính toán "đầu ra, đầu vào" cho hợp lý, khoa học để tiết kiệm công sức, vốn đầu tư, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ thì khó thành công. Trải qua bao năm làm kinh tế nông hộ, đến nay anh đã có nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào phát triển sản xuất. Mặc dù thương hiệu "cá nước ngọt" An Châu đã đến với người tiêu dùng nhưng vấn đề đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn đang là bài toán khó giải đối với bản thân anh và các đồng nghiệp...
Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ được nhân rộng ở thôn An Châu. |
Cũng đổi thay từ các mô hình nông thôn mới, anh Trần Văn Phúc lại chọn việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng. Hơn 3 sào đất trồng xen kẽ các loại cây ăn quả giá trị thấp trước đây được anh chuyển sang trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ. "Lúc đầu, tôi cũng băn khoăn vì không biết có phù hợp với khí hậu, đất đai cằn cỗi nơi đây không. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, nhiều hộ dân trong thôn mạnh dạn kéo điện, đóng giếng bơm, đầu tư công sức. Cũng may "đất không phụ người", vườn thanh long đầu tiên phát triển tươi tốt, quả trĩu cành; tư thương đặt mua tại vườn với giá 30 ngàn đồng/kg. Đời sống của gia đình dần được cải thiện", anh Phúc sẻ chia.
Đi, tìm hiểu và nghe nông dân vùng núi kể chuyện phát triển kinh tế đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui, người nông dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó "một nắng, hai sương" gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì xóm làng, vì vùng đất mình đang sống.
Theo: cadn.com.vn