Nông dân thế hệ mới - Chủ thể xây dựng nông thôn mới của TPHCM
- Thứ ba - 12/05/2015 03:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Nông dân thế hệ mới” không hẳn là nông dân trẻ, “mới” ở đây mô tả về một lực lượng đa dạng, nhiều thành phần chủ động tham gia sản xuất nông nghiệp với những cách thức sáng tạo, tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, đóng góp nét mới lạ, sinh động cho bức tranh toàn cảnh lĩnh vực tam nông của TP.
Sinh năm 1980, Trương Trung Cường – một nông dân nuôi cá ở xã Tân Nhựt, Bình Chánh có thể được xem là “hàng hiếm” khi thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với tuổi đời còn khá trẻ. Năm nay 35 tuổi, ông chủ của nhiều trại cá này luôn tất bật giữa việc tìm kiếm khách hàng, thương lượng giá cả và quan trọng nhất là chăm sóc trại cá. Cường tâm sự: "Bà con nông dân đang chuyển đổi về cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi. Chuyển từ cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có thu nhập cao. Đến giai đoạn này, mình thấy có sự phát triển, nhất là từ khi có chương trình Nông thôn mới".
Năng nổ, tích cực và chủ động là đặc điểm dễ thấy từ những người như Cường. Cụ thể như việc anh phối hợp với nông dân Nguyễn Ngọc Long – chủ cơ sở hoa cây kiểng làm ăn phát đạt ở Hóc Môn để mở rộng mô hình nuôi cá kiểng. Bản thân Long cũng là tấm gương điển hình khi từ hoàn cảnh nghèo khó, anh không ngừng nỗ lực đi theo ngành hoa cây kiểng để vươn lên khá giả. Nguyễn Ngọc Long nằm trong số những nông dân của TP chủ động đầu tư ra nước ngoài học nghề và tìm kiếm thị trường. Long chia sẻ : " Nếu đi học, đừng bao giờ tới những nơi có cây đẹp mà ra đằng sau, coi những cây xấu hoặc nơi người ta làm cây chưa thành phẩm. Đó là những nơi mình học vì những cái gì dở, xấu người ta sẽ giấu. Mình cần học để không phải bị dở, không phải bị xấu".
Ảnh minh họa - Nguồn: KTNT.
Tờ mờ sáng, ông Tống Hữu Châu ở phường Thạnh Xuân, quận 12 đã bắt đầu công việc đầu tiên trong ngày là xem lại sổ sách của cửa hàng cá cảnh. Thói quen làm việc có giờ giấc được hình thành từ những chuyến đi học tập nơi “xứ người”. Ông Châu có một “bề dày” thành tích những giải thưởng nhưng giới trong nghề lại biết đến ông từ chuyện tự bỏ tiền túi sang tham dự hội chợ cá cảnh ở Singapore. Ông Châu kể lại: "Mình đi không có đoàn gì hết vì vậy mấy anh em đề nghị làm áo thun trắng sau lưng có ghi chữ cá đĩa, phía trước có cờ Việt Nam. Đi theo nhóm vậy thì các bạn sẽ tiếp cận, làm quen, nhờ vậy mới tiếp xúc. Trong lần đi đó đã tiếp xúc với một số khách hàng".
Ngành nông nghiệp TPHCM hiện nay chứng kiến nhiều “tay ngang” xông pha sản xuất với nhiều mô hình khác nhau. Như ở Hóc Môn có bà Lê Thị Mỹ Phước trồng hoa lan và ông Đoàn Kim Sơn nuôi động vật hoang dã vốn đều là giảng viên đại học. Hay trường hợp giám đốc doanh nghiệp chủ động sang làm nông nghiệp thì ở Nhà Bè có ông Phạm Văn Thành mở trại nuôi cá sấu và chim yến, ông Cao Thuận Phong ở Bình Chánh thì trồng nấm, cấy meo.... Ông Phạm Văn Thành chia sẻ: "Công ty tôi là công ty may Văn Xương Vũ Tuấn mở ra năm 2005, tới giờ tương đối ổn định. Sau đó tôi có thời gian rảnh nghiên cứu vấn đề này, thôi để làm thêm để có nguồn kinh tế riêng". Về mạnh dạn áp dụng công nghệ trong sản xuất có thể kể đến trường hợp ông Huỳnh Đoàn Thông – vốn là một kỹ sư nông nghiệp, ngay sau khi rời quân ngũ đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực trồng rau. Bằng tầm nhìn chiến lược và nghiên cứu thị trường, ông mạnh dạn vay vốn, tham gia vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP và hiện dự án sản xuất hạt giống rau F1. Tổng vốn của quá trình đầu tư này đến nay đã hơn 10 tỷ đồng. Ông Thông chia sẻ: "Từ ngày tham gia khu Nông nghiệp công nghệ cao, công ty đã xây dựng hệ thống canh tác tiên tiến như nhà lưới, hệ thống cung cấp nước, hệ thống dinh dưỡng hoàn toàn tự động. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất đem lại hiệu quả cao và thân thiện với môi trường".
Nói đến trồng rau ở huyện Củ Chi có ông Nguyễn Văn Trãi, ngụ ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức. Ông mạnh dạn đầu tư sản xuất trên diện tích 38 ha trồng đủ các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, mang về lợi nhuận 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm ngay dịp trước Tết Nguyên đán 2015. Ông Trãi cho biết: "Bên khuyến nông huyện, xã tập huấn về khoa học kỹ thuật rồi mở mô hình được hơn 30 hecta. Mô hình này cũng giúp nâng cao cuộc sống bà con, tạo công ăn việc làm, hiện giờ cũng lên đến 120 – 130 công nhân".
Câu chuyện về nông dân thế hệ mới của TP tập hợp đầy đủ những tấm gương vượt khó, mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất theo mô hình tập trung và chủ động theo đuổi tiêu chí sản xuất an toàn một cách nghiêm túc. Rõ ràng là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, TPHCM đã tạo một bước đột phá quan trọng thông qua chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao.
Với lực lượng nông dân thế hệ mới - đa dạng về thành phần, có sức trẻ, biết tích lũy kinh nghiệm, có tầm nhìn, có hoài bão và tâm huyết với ngành nông nghiệp – mô hình Nông thôn mới, nông nghiệp đô thị công nghệ cao đã và đang có những chủ thể phù hợp, vừa thụ hưởng vừa biết phát huy nền tảng sẵn có để xây dựng đời sống nông thôn ngày càng giàu đẹp, no ấm hơn.
Theo: voh.com.vn