Nông dân trẻ tiên phong trồng rau an toàn

Nông dân trẻ tiên phong trồng rau an toàn
Nhận thức về tác hại của nguồn thực phẩm “bẩn”, nhiều nông dân ở Quảng Bình đã chủ động đầu tư trồng rau theo hướng an toàn, đem lại hiệu quả cao.

Bỏ công việc ổn định để về trồng rau

Cô gái thế hệ 8X Nguyễn Thị Phương Lan, ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) là một trong những người tiên phong trong việc trồng rau sạch hữu cơ. Năm 2013, khi đang làm kế toán cho một doanh nghiệp, Lan bỏ giữa chừng về vùng cát Bảo Ninh cùng gia đình đấu thầu đất làm trang trại. Phương Lan đã chọn cho mình một hướng đi mới, nhưng vô cùng cam go, đó là làm trang trại trồng rau theo hướng hữu cơ.

 nong dan tre tien phong trong rau an toan hinh anh 1

Các loại rau, củ, quả được sản xuất theo phương pháp hữu cơ ở trang trại chị Nguyễn Thị Phương Lan.  Ảnh: P.P

Sự xuất hiện của các mô hình trồng rau an toàn đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người nông dân, giúp bà con hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế gắn với vấn đề vệ sinh anh toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng”.

Ông Mai Văn Ngọc –
Phó Chủ tịch Hội ND Quảng Bình

 

 

Phương Lan cho biết: “Rau được trồng theo phương pháp hữu cơ không chỉ đem đến cho khách hàng nguồn thực phẩm sạch, an toàn mà còn bảo vệ môi trường sống lâu dài. Sau nhiều năm quăng quật với cát, kiên định với phương pháp trồng rau hữu cơ, hiện nay mùa nào thức ấy, trang trại của em đều có các loại rau, củ, quả “siêu sạch” như: Cải xanh, hành lá, xà lách, mướp đắng, cà chua, khoai lang, dưa hấu…”. Rau củ ở trang trại của Phương Lan tuy bán với giá cao gấp đôi so với rau bình thường nhưng nhiều khách hàng “có tiền” ở thành phố Đồng Hới đã đến tận trang trại để đặt hàng thường xuyên cho bữa ăn của gia đình…

Cũng giống như Phương Lan, vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thủy (đều là những người trẻ thế hệ 8X) ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch còn được nhiều người khuyên đi gặp thầy cúng vì tưởng bị ma nhập khi họ bỏ ngang công việc với nhiều cơ hội thăng tiến ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung để về quê trồng rau sạch. Anh Quả tâm sự: “Một lẽ thường tình, việc đi ngược với số đông thường bị cho là lập dị, khác thường, nhất là tại quê nhà, việc cán bộ nhà nước nghỉ việc về quê trồng rau lại còn quá hiếm hoi. Nhưng nói thật, để có được quyết định đó, vợ chồng mình đã trăn trở rất nhiều!”. Và bây giờ thì trang trại rau an toàn mang thương hiệu An Nông của vợ chồng anh Quả đã thực sự chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng trên địa bàn huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới…

Nhân rộng mô hình

Không chỉ những người trẻ, có trình độ như Phương Lan, vợ chồng anh Quả mới thành công với việc trồng rau sạch. Hiện rất nhiều nông dân ở Quảng Bình mạnh dạn chuyển từ cách trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn.  Từ tháng 8.2016, sau khi được tập huấn các kiến thức, kỹ thuật trồng rau an toàn, bà Lê Thị Lựu ở tiểu khu 8, thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 500m2 đất vườn để trồng rau. Gia đình bà đã trồng xen kẽ các loại rau ngắn ngày và dài ngày như rau cải, cải cúc, ném, đậu cô ve, mướp đắng... Đến nay, sau 5 tháng trồng rau an toàn, gia đình bà đã có thu nhập gần 30 triệu đồng.

Ông Lê Minh Thông – Chủ tịch Hội ND thị trấn Hoàn Lão  cho biết, toàn thị trấn hiện có 30 hộ triển khai mô hình trồng rau an toàn với diện tích gần 3ha. “Trước đây người dân trồng rau thường lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với phương thức trồng rau an toàn đúng kỹ thuật, cân đối phân bón, bảo đảm thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên khi thu hoạch đạt năng suất cao và an toàn, được thị trường ưa chuộng... Hiện bà con làm không kịp để bán” – ông Lê Minh Thông cho hay. 

Theo Phan Phương/danviet.vn