Nông, lâm trường: Bài toán hiệu quả

Nông, lâm trường: Bài toán hiệu quả
Ngày 10/11 vừa qua, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát và thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014. Đây là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm từ lâu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Nói đây là vấn đề được cả người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm bởi đã từ nhiều kỳ họp Quốc hội, không ít đại biểu đã chất vấn các vị tư lệnh ngành về những bất cập, thiếu sót, thậm chí sai phạm trong quản lý đất đai tại các nông, lâm trường, vấn đề khoán trắng – phát canh thu tô của các nông, lâm trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh,… 

Trong 35 ý kiến tham luận của các đại biểu Quốc hội, nhiều thiếu sót, bất cập, yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất, sự lãng phí đất đai, công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp và chậm ban hành văn bản quản lý, cũng như những giải pháp chấn chỉnh, xử lý… được đề cập.

Sau phiên thảo luận của Quốc hội, tiếp cận một số chủ trang trại, họ cho rằng, Quốc hội giám sát việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh là rất đúng. Báo cáo giám sát và ý kiến của các vị đại biểu phân tích rất rõ mọi khía cạnh về những yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân rất trúng; nhiều đề xuất, kiến nghị phù hợp với thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao, những nông, lâm trường với lực lượng cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân được đào tạo bài bản, quỹ đất rộng lớn, mà hiệu quả kinh tế và làm nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước trên 1ha lại thấp như vậy. (Nhiều người dẫn phát biểu của đại biểu Trần Minh Diệu, Quảng Bình, minh chứng cho vấn đề này: “Bình quân 1ha đất sản xuất phải kê khai để làm nghĩa vụ tài chính trong mỗi năm chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 80 đến 90 ngàn đồng, tương đương với giá trị của vài chiếc kẹo”). Họ cho rằng, với họ, dù phải trả tiền thuê đất, rất ít sự hỗ trợ, thiếu kiến thức mọi mặt và nhiều nơi đất đai rất bạc màu nhưng họ vẫn đạt lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Do đó các chủ trang trại cho rằng, liệu con số mà các nông, lâm trường báo cáo có là con số thật hay đó chỉ là số ảo? Nó đã rơi vãi đi đâu, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ vấn đề này. 

Thứ hai, Quốc hội cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và lời hứa của các vị tư lệnh ngành, tránh việc những vị tư lệnh các ngành này khóa sau nói mình mới nên chưa rõ,… xin khất kỳ sau.

Thứ ba, cần sớm có giải pháp thay đổi mô hình tổ chức, quản lý các nông, lâm trường phù hợp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sớm có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia vào lĩnh vực này trên cơ sở cam kết thực hiện đúng quy hoạch vùng sản xuất dựa trên lợi thế so sánh từng vùng. Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, cần phải được bảo vệ và tạo ra hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn, nếu hơn 7,5 triệu hecta mà các nông, lâm trường quản lý cho hiệu quả kinh tế như nhiều mô hình trang trại hiện nay thì kinh tế tập thể của chúng ta đã khác.

Theo  Thanh Hiền/kinhtenongthon.com.vn