Nông nghiệp Ninh Bình 2 lần giành Huân chương Độc lập

Nông nghiệp Ninh Bình 2 lần giành Huân chương Độc lập
Là một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích tự nhiên 137.670 ha, trong đó phần lớn là rừng núi, 80% dân số sống ở nông thôn. Khi mới được tái lập từ tỉnh Hà Nam Ninh, Ninh Bình được coi là một tỉnh nghèo bởi chỉ được sở hữu một nền nông nghiệp kém phát triển, năng suất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu; một nền công nghiệp gần như không có gì, hệ thống hạ tầng cũng trong tình trạng tương đương.

Nhưng đến nay, sau 20 năm, Ninh Bình đã bỏ xa xuất phát điểm ban đầu, bởi những bước tiến thật ấn tượng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Nông nghiệp.Phát huy lợi thế của một tỉnh có cả ruộng - rừng - biển, Ninh Bình đã tập trung tạo sự đột phá trong 3 ngành kinh tế này. Về nông nghiệp, nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã được triển khai ứng dụng vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất đã được xây dựng, công tác tập huấn được tăng cường.

Trên 5 ngàn máy làm đất, hàng trăm máy gặt và các loại máy nông nghiệp khác được đưa vào đồng ruộng Ninh Bình, khiến trên 80% diện tích đất canh tác được cơ giới hoá, làm giảm chi phí sản xuất và năng suất lao động cũng như giá trị trên mỗi đơn vị diện tích được nâng cao.

Nếu như năm 1991, năng suất lúa bình quân của tỉnh mới đạt 25,5 tạ/ha, thì năm 2011, năng suất đã là 60,4 tạ/ha (tăng 2,4 lần). Tổng sản lượng lương thực so với năm 1991 đã tăng 2,6 lần, với con số tuyệt đối 514.000 tấn. Một nền nông nghiệp hàng hoá đã được hình thành với những vùng lúa chất lượng cao QR1, DQ11... trên những “cánh đồng mẫu lớn”, những vùng chuyên canh gắn cơ sở chế biến với thị trường đã tạo ra những lợi thế trong sản xuất kinh doanh và chế biến xuất khẩu.

Tính đến nay, diện tích lúa chất lượng cao đã chiếm tới 42% diện tích cấy lúa toàn tỉnh, diện tích các cây công nghiệp đã tăng gần 3 lần so với năm 1991, và những con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên. Năm 2011, giá trị 1 ha đất canh tác của tỉnh đã đạt bình quân 86 triệu đồng, đời sống của người dân càng ngày càng được cải thiện, nâng cao.


Lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Bình

Cùng với trồng trọt, việc phát triển và đa dạng hóa chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng góp phần không nhỏ trong bảng thành tích của nông nghiệp Ninh Bình. Gần 800 trang trại, trong đó phần lớn là trang trại chăn nuôi, đang là những bằng chứng thuyết phục về quy luật tất yếu trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá: tích tụ ruộng đất, từ đó hình thành một đội ngũ nông dân giỏi, biết tổ chức sản xuất kinh doanh, biết khai thác tiềm năng đất đai một cách hiệu quả.

Về lâm nghiệp, bộ máy quản lý, bảo vệ rừng được tổ chức hoàn chỉnh và con số hàng chục triệu cây trồng mới theo hình thức phân tán, trên 10.000 ha rừng trồng mới tập trung, nâng độ che phủ của rừng lên trên 19%, đã nói lên những cố gắng rất lớn của Ninh Bình trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Và chính nhờ việc quản lý, bảo vệ tốt cho những cánh rừng đã góp phần giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho bà con vùng cao. Với 14 km bờ biển, trong đó có hàng ngàn ha bãi bồi rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản, nhờ có hướng đi đúng và sự quan tâm, đầu tư thích hợp, nên thời gian qua, kinh tế biển của Ninh Bình đã có những bước tiến dài trên cả hai lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng, tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Nếu như năm 1991, diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản (tôm, cua, ngao...) mới đạt 3.300 ha, thì năm 2011 con số đó đã là gần 10.000 ha. Diện tích nuôi trồng chỉ tăng gần 3 lần trong khi sản lượng tăng gần 20 lần so với năm 1991, đó quả là một con số có ý nghĩa.

Một nền nông nghiệp không thể phát triển được trên một cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhận thức rõ điều đó, nên trong hai chục năm qua, quá trình xây dựng một nền nông nghiệp phát triển cũng là quá trình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng.

Hệ thống đê điều được thường xuyên tu bổ, củng cố, 468 km đê được nâng cấp, trong số đó gần 40% được cứng hoá, 90% kênh mương trong toàn tỉnh đã được kiên cố hoá. Giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phát triển rộng khắp cùng với việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đã làm cho nông thôn và đồng ruộng Ninh Bình mang một diện mạo mới.

85% người dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 45% dân số được dùng nước từ 88 trạm cấp nước tập trung. Tính đến năm 2011, 86% số xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 65% trường mầm non và phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã có điểm bưu điện văn hoá. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy, nâng cao.


Niềm vui được mùa của nông dân Ninh Bình

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Ninh Bình đã phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” trên toàn tỉnh. 120 xã của Ninh Bình, trong đó có 25 xã điểm, đã được chọn để xây dựng mô hình NTM và chỉ trong một thời gian ngắn, Ninh Bình đã hoàn chỉnh việc tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình từ tỉnh đến, xã, thôn.

Việc phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM cũng nhanh chóng được hoàn thành, công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng NTM được đẩy mạnh...Tất cả đã tạo nên một phong trào xây dựng NTM với một khí thế rất cao.

Tính đến tháng 6/2012, chỉ sau hơn 2 năm bước vào thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn, đó là 1.066 hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.559 tỷ đồng, bao gồm 511 công trình giao thông nông thôn; 108 công trình thuỷ lợi; còn lại là các công trình phục vụ giáo dục, y tế, nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường...

 

Ngày 24/6/2005, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định số 638 QĐ/CTN, trao tặng Huân chương Độc lập hạng III. Và năm 2012 này, niềm vinh dự đó lại một lần nữa đến với tập thể CBCNV của ngành NN-PTNT Ninh Bình. Ngày 23/7/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 1065/QĐ-CTN, trao tặng Huân chương Độc lập hạng II cho tập thể CBCNV Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình.

Phong trào hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng diễn ra rất sôi nổi ở hầu hết các huyện, thị xã và thành phố. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các công tác về văn hóa - xã hội - môi trường, về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh... được chú trọng đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể...

20 năm là một quãng thời gian không dài, nhưng để làm thay đổi hẳn bộ mặt nông nghiệp - nông thôn của một tỉnh nghèo, là một thành tích không nhỏ của tập thể CBCNV Sở NN- PTNT Ninh Bình.

Những thành tích đó đã được ghi nhận bởi nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: 28 CBCNV của Sở đã được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 39 tập thể của Sở được tặng danh hiệu “lao động xuất sắc” cấp tỉnh; 33 tập thể được nhận cờ thi đua cấp tỉnh; 88 tập thể và 212 cá nhân được nhận bằng khen cấp tỉnh; 98 tập thể và 276 cá nhân đã được nhận bằng khen cấp Bộ; 4 tập thể được nhận cờ thi đua của Chính phủ; 7 tập thể và 23 cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 3 tập thể và 8 cá nhân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động các hạng III,II,I.

Phần thưởng đó không chỉ là niềm vui riêng của tập thể CBCNV ngành Nông nghiệp Ninh Bình
 

Theo nongnghiep.vn