Nông nghiệp Phú Yên hướng đến phát triển bền vững

UBND tỉnh vừa xây dựng đề án Hỗ trợ phát triển lúa giống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 để trình ra kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 nâng tỉ lệ sử dụng lúa giống cấp xác nhận, lúa lai F1 để gieo sạ đạt trên 90% diện tích lúa toàn tỉnh và tổng thu nhập 1ha lúa đạt trên 80 triệu đồng/năm…
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng tại xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) - Ảnh: A.NGỌC

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP

 

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã khảo nghiệm, tuyển chọn giống lúa và tổ chức sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng cùng giống lúa xác nhận để cung ứng cho nông dân. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn nông dân chỉ chú trọng đến việc tăng năng suất mà ít quan tâm đến chất lượng, nên sản xuất lúa chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Nông dân Nguyễn Văn Kim ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho biết: Tôi tham gia mô hình sản xuất lúa giống đã nhiều năm nay. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến nên năng suất đạt cao, nhưng khâu tiêu thụ lúa giống lại gặp khó khăn. Nguyên nhân là chưa có doanh nghiệp lớn thu mua lúa gạo nên khâu tiêu thụ thiếu ổn định do đó thu nhập của nông dân trồng lúa chưa cao. Ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu ra những giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; đồng thời có chính sách giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

 

Theo ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, một thời gian dài, nông dân quen dùng lúa thịt để làm giống nên năng suất, chất lượng rất thấp. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân và các HTX nông nghiệp như Nam An Nghiệp, Tây An Ninh, An Thạch, Tây An Cư… đã tham gia sản xuất giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng không chỉ cung cấp lúa giống cho nông dân trên địa bàn và còn bán ra ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nông dân cũng chưa thật sự quan tâm đến giống lúa chất lượng cao để gieo sạ vì giá thành còn cao, trong khi đó việc sản xuất lúa giống ở các HTX này chưa mang tính chuyên nghiệp nên khâu tiêu thụ còn gặp khó khăn, diện tích gieo sạ giống lúa cấp xác nhận, lúa lai chưa nhiều. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nông dân, các HTX tham gia sản xuất giống lúa chất lượng cao để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất lúa có thu nhập ổn định…

 

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích trong kế hoạch sử dụng giống lúa cấp xác nhận và lúa lai F1 trên địa bàn tỉnh năm 2016 khoảng 12.680ha, đến năm 2020 đạt khoảng 46.835ha. UBND tỉnh vừa xây dựng đề án Hỗ trợ phát triển lúa giống giai đoạn 2016-2020 để trình ra kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Theo đó, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ phần giá trị chênh lệch đối với giống lúa xác nhận (1kg giống lúa xác nhận bằng 1,5kg lúa thịt) và tỉ lệ giảm dần theo từng năm (năm 2016 hỗ trợ 50%, năm 2017 hỗ trợ 40%, năm 2018 hỗ trợ 30%, năm 2019 hỗ trợ 20% và năm 2020 hỗ trợ 10%). Đối với giống lúa lai F1, hỗ trợ 100% giá giống trong 5 năm đối với các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân; các đối tượng còn lại hỗ trợ giá giống theo tỉ lệ giảm dần giống như hỗ trợ giống lúa xác nhận. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ khảo nghiệm, kiểm nghiệm, phục tráng giống lúa, trợ giá giống lúa cấp xác nhận, hỗ trợ giá hạt giống lúa lai F1 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 42,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 17,9 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 13,4 tỉ đồng và ngân sách cấp huyện hơn 11,3 tỉ đồng…

 

Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: “Hàng năm, Phú Hòa vẫn trích một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ nông dân và các HTX tham gia sản xuất lúa giống phục vụ bà con sản xuất lúa trên địa bàn. UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống trong giai đoạn 2016-2020 là chủ trương lớn, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân cũng như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nên địa phương rất ủng hộ. Nếu chính sách này được kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến thông qua sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất lúa giống nhằm xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa ngày càng hoàn thiện, theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích nâng cao tỉ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, lúa lai F1, giống lúa có chất lượng tốt, giống ưu thế lai có năng suất cao, gạo chất lượng tốt đểnâng cao giátrịsản phẩm lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu là nâng tỉ lệ sử dụng lúa giống cấp xác nhận, lúa lai F1 để gieo sạ đến năm 2020 đạt trên 90% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Đến năm 2020, nâng năng suất lúa toàn tỉnh đạt từ 6,5-7 tấn/ha/vụ, tổng sản lượng lúa đạt trên 36 vạn tấn, trong đó khoảng 10 vạn tấn lúa gạo chất lượng cao, ăn ngon, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu (giá trị gạo đến năm 2020 cao gấp 1,5 lần so với năm 2015). Lợi nhuận đối với nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 60%, tổng thu nhập 1ha trồng lúa đạt trên 80 triệu đồng/năm vào năm 2020.

 

Theo ANH NGỌC/baophuyen.com.vn