Nông nghiệp Việt Nam phải làm sao để 'làm ít đi nhưng hưởng nhiều hơn'
- Thứ ba - 06/12/2016 11:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tốn đất, lãng phí nước, lạm dụng thuốc
Chia sẻ những khó khăn mà ngành Nông nghệp Việt Nam đang phải đối mặt, ông Sergiy Zorya – Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng thế giới cho biết, bên cạnh những tác động khách quan ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng nông nghiệp như hạn hán, xâm nhập mặn…, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Xuất khẩu tiếp tục khó khăn cả về lượng (do nhu cầu thế giới thay đổi) lẫn về giá (phần lớn là xuất khẩu thô lại không có thương hiệu nên giá luôn thấp hơn đối thủ cạnh tranh).
Niềm vui trúng mùa. (Ảnh: Huỳnh Cao Khải) |
Là một nước xuất khẩu nông sản đi khắp thế giới với khối lượng lớn, nhưng Việt Nam chưa có được một thương hiệu nông sản nào. Hầu hết nông sản của Việt Nam đều được bán dưới dạng thương phẩm thô với giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Để rồi nông sản thô giá rẻ của Việt Nam thường được pha trộn với mặt hàng của các quốc gia khác để tạo ra thành phẩm được bán dưới các thương hiệu quốc tế, khiến người tiêu dùng thế giới chưa biết “thực phẩm Việt”.
Trong khi cạnh tranh với nông sản thế giới đang ngày một gay gắt, yêu cầu nước nhập khẩu ngày càng cao.
Đầu ra thì gặp khó như vậy, ở đầu vào, sản xuất nông nghiệp được chuyên gia WB chỉ ra rằng “phí tổn quá lớn”. Không chỉ là chi phí đầu vào cao do chi phí vốn, vật tư, phân bón thậm chí cả giống phải nhập khẩu, mà sản xuất nông nghiệp đang sử dụng quá tốn đất, lãng phí nước, sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh… Tất nhiên như vậy giá trị gia tăng thấp. Với cách lạm dụng nước, thuốc như hiện nay, nông nghiệp Việt Nam cũng đang gây tổn hại môi trường khá nhiều và như thế cái giá cho nông sản, cho tăng trưởng nông nghiệp đã có thể được coi là khá đắt.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của WB cũng kỳ vọng tăng trưởng nông nghiệp sẽ chấm dứt suy giảm để lấy lại tốc độ tăng trưởng như mười năm trước nhưng với giá trị gia tăng cao hơn. "Tăng trưởng ngành nông nghiệp cần dựa trên nâng cao hiệu suất, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng", ông nhấn mạnh.
Để đạt được khát vọng, con đường phải chọn đó là tăng giá trị giảm phí tổn đầu vào, tăng hiệu suất. Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, nhu cầu lương thực thực phẩm cũng đang thay đổi, “cơm ăn ít đi nhưng gạo, thịt phải ngon hơn”, vậy Việt Nam có nên tiếp tục liệu có tiếp tục sản xuất nông sản phẩm cấp thường, xuất khẩu rất nhiều nhưng giá thấp? Phải làm thế nào nông sản Việt Nam bán ra thị trường thế giới với thương hiệu Việt, được gọi đúng tên “hàng Việt Nam”.
Sự cứng nhắc trong chính sách đất đai cản trở nông nghiệp tái cơ cấu
Đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam phải có bước chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng “tăng giá trị, giảm đầu vào”, theo ông Zoyra. “Phải làm sao để người nông dân làm ít đi nhưng được hưởng lợi nhiều hơn, thu nhập cao hơn”, ông Zoyra phát biểu.
Nghĩa là phải hướng đến sản xuất lớn, trồng và nuôi các loại không cần sản lượng lớn nhưng giá bán cao, không tốn nước, không sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng hỗ trợ, cùng chung tay xây dựng thương hiệu Việt với những sản phẩm phẩm cấp cao có giá bán tốt.
Để làm được như thế, theo ông Zoyra, Chính phủ cần thay đổi ngay từ cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp. Hiện nay, trong 100 đồng vốn đầu tư cho nông nghiệp thì dành tới 80 đồng cho thủy lợi tưới tiêu, khoảng 20 đồng còn lại dành cho đủ mọi thứ. Tỷ lệ đầu tư, cơ cấu đầu tư cần phải thay đổi. Và nền nông nghiệp phải là một nền nông nghiệp sản xuất lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao… như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chỉ rõ.
Muốn làm được như thế, người nông dân phải có diện tích đất cho nuôi, trồng đủ lớn. Thế nhưng sự cứng nhắc trong quy hoạch và chính sách sử dụng đất đang cản trở ngành nông nghiệp tái cơ cấu. “Tích tụ ruộng đất còn bị hạn chế, quy hoạch cứng nhắc, muốn chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên diện tích đó rất khó khăn”, ông Zoyra nhận xét. Và để làm ăn lớn, người nông dân cũng phải được đào tạo, phải có kiến thức.
Để có chuyển đổi trên quy mô rộng trong toàn ngành đòi hỏi phải cải cách những chính sách nhất định cấp quốc gia và cấp ngành, dần dần đổi mới và bổ sung các thể chế hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, đơn cử như phải cải cách chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chính sách đào tạo nông dân…
Và muốn giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp đang đối mặt, để tái cơ cấu thành công, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có những cải cách rộng hơn trong cả nền kinh tế cho phép tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho dồn điền đổi thửa để có điều kiện sản xuất lớn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng “tăng giá trị, giảm số lượng, giảm phí tổn đầu vào”. Để làm được như thế cần sự nỗ lực cải cách từ cả các bộ ngành khác chứ không chỉ riêng ngành nông nghiệp, không chỉ riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Linh Ly
http://thoibaonganhang.vn/