Nông nghiệp bao giờ “làm ăn lớn”?
- Thứ năm - 04/01/2018 22:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 của ngành NN&PTNT ngày 4/1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết năm qua, ngành NN&PTNT đã đạt 7 kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp 4 – 5 lần so với sản xuất lúa. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 2,23%, cao hơn mục tiêu đề ra (2%).
Mối lo “xuất một, nhập hai”
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành nông nghiệp đạt hơn 36 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả: lực lượng doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2017, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 3,8% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, số lượng trang trại, HTX nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, cả nước có 33.500 trang trại, 11.688 HTX nông nghiệp. Số HTX thành lập mới năm 2017 là 1.189 HTX, 33% số HTX hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, cơ cấu lại nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều, vẫn còn địa phương lúng túng trong triển khai và kết quả chưa rõ ràng. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân cải thiện rất chậm.
Công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm (thịt lợn, dưa hấu), nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng có một điểm nghẽn đang xảy ra với ngành nông nghiệp là nghịch lý “một chiếc xe chạy ra, hai chiếc xe chạy vào” – có nghĩa XK một nhưng nhập khẩu hai”. Nguyên nhân là vì chi phí sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam quá cao trong khi chất lượng nông sản kém.
“Nếu tiếp tục sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được đầu vào… ắt chi phí sẽ cao. Chỉ khi nào người nông dân tham gia vào HTX, từ đó chi phí sẽ giảm và chất lượng nông sản mới được cải thiện. Kinh tế tập thể phát triển đi kèm các mô hình HTX kiểu mới đủ mạnh sẽ tháo gỡ được điều này”, ông Hoan nói.
Vì vậy, ông Hoan đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định riêng dành cho HTX nông nghiệp, không nên đánh đồng HTX nông nghiệp với các loại hình HTX khác. Theo đó, cần có các cơ chế hỗ trợ đi kèm.
Nhận định thời gian tới, XK sản phẩm nông nghiệp sẽ ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ thủ tục nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nhanh gọn, đồng thời có chính sách, hỗ trợ, quảng bá thương hiệu nông sản của quốc gia, của địa phương.
Thêm nữa, Bộ NN&PTNT, Chính phủ cần quan tâm quy hoạch khu, vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, chính sách tín dụng cho nông dân vay để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ở góc độ DN, bà Thái Hương, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch BacA Bank – nhà tư vấn Tập đoàn TH, cho rằng muốn “chìa khóa” nông nghiệp công nghệ cao thành công, phát huy được tác dụng cần phải có một tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông sản, tiêu chuẩn đó theo thông lệ quốc tế.
Không đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, nông nghiệp khó thành công
Đẩy mạnh phát triển HTX kiểu mới
Trước những khó khăn vướng mắc về vốn, bà Thái Hương nêu quan điểm, vốn không phải là vấn đề quá lớn. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng vào cuộc nhưng rõ ràng các DN không đáp ứng được các điều kiện để vay vốn. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ hãy cho những ngân hàng như BacA Bank có những bộ đề xuất khơi thông chính sách về vốn cho nông nghiệp.
Đồng thời, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao (Doveco), nhận định nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt các tập đoàn lớn trên thế giới đều rất quan tâm tới rau quả Việt Nam.
“So với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, chúng ta có lợi thế hơn là có thể XK rau quả quanh năm, tương lai sẽ trở thành đối trọng lớn trên thế giới về XK mặt hàng này”, ông Khuê cho biết.
Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, ông Khuê kiến nghị Chính phủ và các ban ngành cần đàm phán với các nước nhằm tạo điều kiện cho rau quả Việt Nam vào các thị trường với thuế suất ưu đãi và các hàng rào kỹ thuật đơn giản.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của ngành NN&PTNT, và nhắc lại câu mà báo chí gần đây nói nhiều là đừng ngủ quên trên “vòng nguyệt quế”. Thủ tướng cho rằng thành tích trên chỉ mới là bước đầu, ngành NN&PTNT còn nhiều bất cập.
“Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42% nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp. Bên cạnh đó, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. An toàn thực phẩm có tiến bộ nhưng còn tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thêm nữa, DN nông nghiệp có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng DN cả nước. Một số địa phương còn lơ là chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh, không đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, nông nghiệp khó thành công. Sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún khó thâm nhập thị trường.
“Điều này có liên quan tới trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và các ngành có liên quan trong việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất quan trọng như HTX nông nghiệp, qua đó thực hiện chuyển đổi và thành lập mới theo Luật HTX 2012. Hiện vẫn chưa có nhiều mô hình HTX liên kết hiệu quả với DN theo chuỗi giá trị, cần tiếp tục học hỏi và hiến kế để phát triển”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt, Thủ tướng đồng thuận: “Chúng ta có Luật HTX rồi nhưng có thêm một Nghị định về HTX trong nông nghiệp cũng là cần thiết. Tôi thấy có đồng chí đề nghị điều này, rất cần thiết, nhất là nông thôn. Trong khi mô hình DN chưa vào được, chúng ta đồng ý làm một Nghị định để giúp tổ chức sản xuất ở nông thôn”.
Để làm được điều này, người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát dân, sát cơ sở hơn. “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải nghiên cứu giấy tờ suốt”.
Bên cạnh đó, chi phí logistics ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Do vậy, cần phải tính cách giảm chi phí vận chuyển để đẩy mạnh XK sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra. Nghiên cứu thị trường trước khi đi vào sản xuất. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất thương mại, kết hợp đảm bảo cạnh tranh thị trường tiêu dùng nội địa và XK.
Lê Thúy
http://thoibaokinhdoanh.vn
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Các địa phương và ngành NN&PTNT phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không. Chúng ta phải thoát “thẻ vàng” của EU ngay trong 6 tháng đầu năm. Khi đầu tư vào nông nghiệp cần có liên kết vùng. Đầu tư một nhà máy mấy trăm tỷ đồng không dừng lại một tỉnh, mà cần tiêu thụ ở nhiều tỉnh. Đồng thời không thể chế biến một loại sản phẩm, mà cần tận dụng thế mạnh của vùng với diện tích đã được quy hoạch để tạo ra vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa viện nghiên cứu với DN, HTX. Các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; hoàn thiện chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách bảo hiểm nông nghiệp. |