Nông nghiệp đô thị: Cần đột phá để phát triển và hội nhập
- Thứ ba - 14/06/2016 21:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài toán về thị trường
Theo đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 0,4-0,5% trong cơ cấu GDP của thành phố. Giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt 300 triệu đồng/ ha/năm; năm 2025 đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Mức thu nhập bình quân ở nông thôn 4.500 USD/ người/năm (bằng 75% bình quân toàn thành phố). Trong đề án này, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ ưu tiên giữ lại các vùng đất đai, mặt nước có lợi thế về sản xuất giống, nông sản hàng hóa để đầu tư công nghệ cao cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp bền vững, ổn định lâu dài.
Nông nghiệp đô thị đang đứng trước thời cơ đột phá khi hội nhập với thị trường thế giới.
Tuy nhiên, sau khi làm ra sản phẩm, người nông dân vẫn còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị Lê Thị Mỹ Phước ở Hợp tác xã Ngọc Điểm (huyện Hóc Môn) cho biết, đất đai và khí hậu TP Hồ Chí Minh rất thích hợp trồng hoa lan Mokara cắt cành. Hưởng ứng yêu cầu chuyển đổi cây trồng của thành phố, hiện diện tích trồng hoa lan tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh khá lớn, sản phẩm làm ra ổn định, có chất lượng tốt. Chị Phước cho rằng, hiện nhu cầu của thị trường giảm nên giá thành hoa lan thấp, đồng nghĩa với thu nhập của nông dân kém đi khiến nhiều nhà vườn muốn chuyển sang mô hình nông nghiệp khác. "Nếu hoa lan cắt cành tìm được thị trường xuất khẩu, người trồng chúng tôi có thể bảo đảm về số lượng cũng như chất lượng hoa", chị Phước cho hay.
Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, dù có lợi thế lớn nhưng vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền sẽ gây khó cho người nông dân khi đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, bởi đa phần giống cây trồng được nhập từ nước ngoài về, không thể "vượt rào" xuất khẩu khi các nước khác đã đăng ký bản quyền giống cây trồng. Ngoài ra, vấn đề bảo quản sản phẩm nông nghiệp cũng khiến rau củ quả của nông nghiệp đô thị khó xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bởi thời gian bảo quản sản phẩm quá ngắn, khó có thể cạnh tranh được với những sản phẩm từ Thái Lan, nước cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường nông sản thế giới. "Bảo quản và công nghệ sau thu hoạch là vấn đề còn thiếu và yếu đối với nông nghiệp đô thị TP Hồ Chí Minh hiện nay", ông Thanh chia sẻ.
Hướng tới hội nhập với thế giới
Trao đổi về việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, người sản xuất và người mua chưa gặp nhau được vì người mua muốn sản phẩm tươi ngon, nhưng người sản xuất khi đưa hàng vào siêu thị hay trung tâm thương mại lại không chăm sóc sản phẩm khiến chất lượng giảm. Hiện Sở NN&PTNT đã tổ chức xúc tiến kết nối mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị đến các trung tâm tiêu thụ nội địa và ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á. Ngoài nỗ lực của các ban, ngành, người nông dân cũng đóng vai trò chính, làm sao phải bảo đảm được sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, tươi ngon phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Để sản phẩm nông nghiệp đô thị TP Hồ Chí Minh kết nối được với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nhận định, để hội nhập cùng TPP thì nông nghiệp đô thị phải ứng dụng công nghệ cao để có năng suất, chất lượng bảo đảm yêu cầu, cùng với việc tham gia vào chuỗi liên kết của thị trường thế giới.
Ngoài ra, ông Từ Minh Thiện cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và tạo dựng thương hiệu. Với những điều kiện thuận lợi về lao động, đất đai, việc đầu tư công nghệ sau thu hoạch và tạo dựng là yếu tố tiên quyết để có thể gia nhập vào thị trường nước ngoài. Đó cũng là giải pháp góp phần giải quyết những thách thức của nông nghiệp đô thị khi gia nhập TPP cũng như những thị trường khác trên thế giới.
Tiến Thành
theo Hà Nội Mới