Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long: Thua vì tụt hậu
- Thứ hai - 22/06/2015 13:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kỳ 1: Cơ khí nông nghiệp... chết yểu
Hàng chục năm qua, cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn trở thành đòi hỏi bức thiết trước yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp và kích cầu sản xuất, nhưng sự đầu tư để đáp ứng cho lĩnh vực này lại đang chết yểu.
Nông dân “tự bơi”…
Lâu nay, mọi người vẫn hay nhắc đến nông dân Phạm Hoằng Thắng ở Cần Thơ sáng chế thành công máy gặt đập liên hợp; hay nông dân Nguyễn Văn Dũng ở An Giang chế ra hàng loạt máy móc giúp ích nông dân như máy đánh rãnh, máy bón phân, phun thuốc, chặt cây đậu bắp, sạ mè đen... Và mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hàng chục, thậm chí hàng trăm nông dân được vinh danh trong việc sáng tạo các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chính sự đáng mừng đó chỉ ra rằng: Người nông dân đang phải “tự bơi”.
Ông Nguyễn Thể Hà - chuyên gia tư vấn đầu tư nông nghiệp, Chủ tịch CLB hỗ trợ nông gia ĐBSCL nêu thực trạng: “Ngày trước, mỗi tỉnh đều có cơ khí huyện, cơ khí tỉnh, giờ không còn nữa và thay thế bằng cơ khí tư nhân vốn chỉ phát triển nhỏ lẻ, nên không đủ sức hội nhập, cạnh tranh vào nền sản xuất mới hiện nay”. TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho biết thêm: “Hiện nay, Nhà nước đầu tư và ưu đãi rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô, nhưng cơ khí nông nghiệp hầu như chưa có gì. Về nhân lực lại càng thiếu và rất yếu, ĐBSCL gần như tỉnh nào cũng có trường đại học nhưng không có nơi nào đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp, tôi đi đến trên 10 cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hoàn (GĐLH) ở ĐBSCL, chỉ có 1 cơ sở có 1 kỹ sư cơ khí. Do vậy, đến nay gần như máy GĐLH nước ngoài chiếm lĩnh toàn bộ”.
Theo GS Võ Tòng Xuân, cơ khí nông nghiệp hiện nay chỉ gói gọn trong phạm vi “ao làng” với những sáng tạo của nông dân. Cơ khí nông nghiệp hiện phải nhập linh kiện, thiết bị về lắp ráp, đến con ốc vít cũng phải mua, và hầu như chưa sản xuất được máy móc nào phục vụ nông dân sản xuất. Đó là hệ quả của xu hướng đào tạo các ngành, nghề theo thị hiếu người dân. “Một số trường dạy cơ khí nông nghiệp, họ bỏ bớt cụm “nông nghiệp” để thu hút học viên, nhưng cũng chẳng ai mặn mà đến học. Việc dạy và học ở một số nơi cũng chỉ chú trọng vào lý thuyết, nên gặp nhiều lúng túng khi áp dụng ra thực tiễn. Trong khi người nông dân có thừa kinh nghiệm “dãi nắng dầm mưa” nơi đồng ruộng lại không biết lý thuyết. Hai yếu tố vốn đòi hỏi sự trung hòa lại không thể gặp nhau” - GS Võ Tòng Xuân nhìn nhận.
Thiếu sự trợ lực
Theo một chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL, dân làm cơ khí của chúng ta không dở, thậm chí có thừa sáng tạo. Điển hình như Cty cơ khí Bùi Văn Ngọ được xem là dẫn đầu trong việc chế tạo các thiết bị, máy móc nông nghiệp, không chỉ cho ĐBSCL mà còn xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, nhưng đây vẫn chỉ là sự đột phá của một đơn vị, chứ không phải bước tiến chung của cả nước. Thực tế cho thấy máy GĐLH được người dân sản xuất bằng cách chắp vá đủ thứ, đụng cái nào chế cái đó rồi lắp ráp lại thành cái máy của riêng mình. Máy không hề có một bản vẽ hay chuẩn mực chung nào. Nếu ai đó có nhu cầu đặt sản xuất hàng loạt thì... vô phương. Người ta vẫn thắc mắc, tại sao ngành chức năng không chọn ra những máy tốt nhất để quy chuẩn, rồi sản xuất hàng loạt phục vụ nông dân (?!).
Có một dạo, máy GĐLH Kubota (Nhật Bản) chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL. Tuy nhiên, loại máy này lại không thể sử dụng trên nền đất yếu đặc thù của ĐBSCL và không thể gặt lúa bị ngã đổ. Sau thời gian mày mò, người dân ĐBSCL cải tiến bánh xích, chế tạo bộ phận đỡ lúa, nhờ vậy khắc phục hai nhược điểm trên. “Ngặt một nỗi, người dân không có vốn để phát triển, sau đó, người Nhật mang những sáng kiến này về nước, rồi sản xuất hàng loạt và quay lại chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL. Điểm yếu của chúng ta là ở chỗ đó, thua ngay trên sân nhà” - ông Hà bức xúc.
Theo laodong.com.vn