Nông nghiệp, những “bờ ruộng” chờ phá bỏ
- Thứ bảy - 23/06/2012 03:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1: Đời sống nông dân bồng bềnh theo giá
SGTT.VN - Nông dân không thể quyết định được giá trị cho hàng hoá của họ. Tất cả tuỳ thuộc vào thị trường, vào các đại lý, doanh nghiệp… Giá lên, đời sống lên. Giá cả xuống, họ phải chịu lỗ, thậm chí dẫn đến bán đất để trả nợ. Cuộc sống của họ cứ thế bồng bềnh trôi theo giá cả thị trường.
Vẫn phổ biến hình ảnh người nông dân lao động thủ công với những công cụ thô sơ. Trong ảnh: nông dân đang làm cỏ trên cánh đồng bắp ở Đăk Mil, Đăk Nông. Ảnh: Gia Vinh |
Đắp đổi qua ngày
Trồng cao su hiện nay, có người sống khá, nhưng gia đình ông Đỗ Văn Dũng ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An (Dăk Mil, Dăk Nông) đến giờ này vẫn sống trong ngôi nhà gỗ ọp ẹp. Ông Dũng than thở: “Nhìn nông dân trồng cao su ở những vùng khác mà ham. Cao su của gia đình tôi không có mủ nên không năm nào đạt chỉ tiêu nông trường giao”. Là công nhân nông trường cao su Thuận An, trước đây, ông nhận 3ha cao su nhưng lượng mủ thấp nên không đạt chỉ tiêu. Vì không đạt mức quy định của nông trường nên ông chỉ được nhận lương 70.000 đồng/ngày.
Lập nghiệp ở xã Nậm N’Jang (Dăk Song, Dăk Nông) từ năm 1999, vợ chồng bà Nguyễn Thị Dương vừa khai phá đất trống, vừa bỏ tiền mua đất nên ban đầu diện tích đất lên tới 4ha trồng càphê, tiêu và cây ngắn ngày. Năm 2010, sau nhiều năm mất mùa, nợ đẻ nợ, bà phải bán 3ha để trả nợ. Hiện bà Dương còn nợ bên ngoài số tiền 30 triệu đồng với lãi suất 4,5%/tháng. Cả gia đình hiện chỉ còn trông mong vào 1ha càphê và 200 trụ tiêu mới trồng. Năm thành viên của gia đình phải đi làm thuê với tiền công 150.000 đồng/ngày/người, vừa kiếm tiền sống qua ngày, vừa trừ nợ! “Nhà nông trắng tay là chuyện bình thường”, bà Dương buông lời gọn lỏn.
Ông Năm Chín và nhiều nông dân ở xứ Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn, vùng được ví như bồ lúa ở vùng châu thổ cũng chưa thể sống an nhàn với cây lúa vì đầu ra còn quá phập phù, giá lúa bấp bênh, lợi nhuận sau mỗi mùa thu hoạch chưa thể trang trải đủ cuộc sống. Cảnh thường thấy là giá lúa lên thì ít, xuống thì nhiều. Còn giá đầu vào tăng liên tục, hễ lên rồi thì nằm đó chứ không thấy xuống.
Bà Nguyễn Thị An (thôn 9, xã Đức Liễu, Bù Đăng, Bình Phước) có 2,5ha điều nhưng chỉ thu hoạch 1,5ha, còn 1ha điều cỗi vừa được chuyển sang trồng càphê. Bà An cho biết với năng suất 1 tấn/ha, “thu nhập từ vườn điều không đủ tiền ăn lấy đâu mà tiền mua phân”. Cả gia đình bà bốn người phải đi làm thuê với tiền công 120.000 đồng/ngày để sống qua ngày, chờ vụ mùa tới.
Thu nhập không bằng làm công
Có 1ha trồng càphê ở cách nhà khoảng 40km, ông Trần Văn Hiển (Thuận An, Dăk Mil, Dăk Nông) tính toán: “Mức giá 43.000 đồng mỗi ký như hiện nay coi như sống lay lắt qua ngày. Gọi là tiền lãi của người trồng càphê hiện nay chứ thực ra đó là tiền công”. Với năng suất 5 tấn/ha, vụ mùa vừa qua, ông Hiển thu được trên 200 triệu đồng nhưng trừ chi phí: nước tưới, phân bón, công hái, chi phí đi lại… ông còn lời khoảng 100 triệu đồng. Theo cách tính của ông Hiển, nếu đi làm thuê với tiền công 140.000 đồng/ngày, ba lao động chính gồm vợ chồng ông và người con gái đầu, mỗi năm sẽ kiếm vượt trên số tiền lãi của 1ha càphê. “Tính như vậy để thấy người dân trồng càphê đâu có sướng và giàu như nhiều người lầm tưởng”, ông Hiển nói.
Vụ mùa càphê và tiêu vừa rồi, ông Lê Quý Khanh (thôn 4, xã IaBlang, Chư Sê, Gia Lai) thu được 2 tấn tiêu và 3 tấn càphê với tổng giá trị ước 350 triệu đồng. Theo sổ ghi chép thu chi, ông chi cho sản xuất gần 200 triệu đồng. “Cái gì cũng lên, từ giá xăng dầu, giá điện, cho đến phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công thuê thì làm sao nông dân có lãi? May mà năm vừa rồi được giá, còn như mấy năm trước… chắc đi ăn mày”, ông Khanh nhận định. Với mức thu như vậy nhưng ông Khanh cũng thuộc nhóm “thiếu trước hụt sau”. Như lời ông kể, vào tháng 4 hàng năm, phải gõ cửa ngân hàng để vay tiền mua dầu, mua phân. Mỗi lần vay, chừng 20 triệu đồng.
“Nhà nước có quy hoạch vùng nhưng chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ nên khó thực hiện quy hoạch. Vả lại, quy hoạch đó còn nặng tính chủ quan và ý chí của những người làm quy hoạch. Họ không hiểu đời sống xã hội và thực tiễn sản xuất của nông dân. Từ nhiều năm nay, nông dân vẫn loay hoay với vòng tròn bế tắc: trồng – chặt – trồng – chặt… Nhà nước có quan tâm đến bộ mặt nông thôn bằng cách đầu tư hạ tầng: điện – đường – trường – trạm nhưng điều quan trọng hơn là định hướng sản xuất và thị trường vẫn chưa thấy đâu...”, ông Lê Khắc Nguyên, phó chủ tịch hội Nông dân tỉnh Bình Phước, nói. |
Cho đến hôm nay, căn nhà tuềnh toàng đã gắn bó với ông Nguyễn Văn He, xã Vĩnh Thành (Châu Thành, An Giang) gần 70 năm. Ông He có 1ha ruộng nhưng ngặt nỗi khi lúa trúng mùa thì giá thấp. Ông He kể, gia đình sáu miệng ăn, chỉ dựa vào hơn 1ha ruộng. Trước đây, đến vụ gặt không bán được trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu mà phải qua người thu mua. Họ “thương” thì trả giá cao, đủ tiền trang trải công nợ, chi tiêu, còn giá thấp thì “hụt trước thiếu sau”. “Một năm ba vụ, mỗi mùa khoảng 6 tấn, vị chi 18 tấn, như giá vụ này 4.000kg thì thu được 72 triệu đồng. Trừ chi phí phân, thuốc, công… hết khoảng 40 triệu đồng. Phần còn lại chia đều sáu khẩu, tính ra mỗi tháng thu nhập chỉ có hơn 400.000 đồng/ người”, ông He tính toán.
Không làm chủ được giá
“Tui sinh ra năm tuổi đã biết đến cây lúa, đến nay ngót 70 năm gắn bó với cây lúa mà tui chưa một lần nắm quyền được thách giá”, ông Nguyễn Văn He nói. Tương tự, người trồng càphê hay người nuôi cá cũng khó có quyền ra giá. Do thu nhập không ổn định, có lúc thấp hơn đi làm công, nông dân phải chấp nhận trả lãi khi mua chịu vật tư, giống, thức ăn nên họ, vốn lép vế khi mặc cả, nay lại càng yếu thế hơn.
Vì không làm chủ giá đầu ra mà nhiều “đại gia” nuôi cá tra nay đã “trắng tay”. Với lợi thế bốn bề sông Hậu bao bọc, cồn Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) ba, bốn năm về trước có rất nhiều “đại gia chân đất, đi xe hơi xịn”. Nay trở lại đây, con cá tra vẫn vẫy trắng mặt nước, nhưng phận người nuôi cá đã đổi. Ông Út Anh là một trong hàng trăm người ở Tân Lộc từ giàu có trở thành con nợ, phải nuôi cá gia công. Sở hữu sáu hầm cá tra cặp bờ sông Hậu, ba, bốn năm trước nắm trong tay hàng chục tỉ đồng nhưng nay phải đi “mót” từng đồng từ việc nuôi cá gia công.
“Người nuôi cá rất sợ cách tính của doanh nghiệp nhưng ngặt nỗi không có tiền mặt nên đành chịu”, Út Anh bực bội nói. Theo lời ông, cứ doanh nghiệp đầu tư 1,6 – 1,7kg thức ăn, cuối vụ người nuôi phải trả 1kg cá. Ngoài ra, dù được doanh nghiệp “lót tay” 5.000 đồng/kg cá khi thu hoạch gọi là chia sẻ với nông dân khi mua con giống, công, thuốc, phí thuê hầm, bơm nước, nhưng số tiền này không đủ vào đâu khi giá cá giống tăng, tỷ lệ chết cao…
Ông Nguyễn Văn Tha (thôn 6, xã IaBlang, Chư Sê, Gia Lai) hiện đang có 10.000 trụ tiêu, trong đó 4.000 trụ đang thu hoạch. Từ khi thu hoạch tiêu cho đến nay, mỗi mùa tiêu, ông Tha thu từ 8 – 10 tấn. Dù sở hữu lượng hàng hoá lớn như vậy nhưng ông Tha chưa bao giờ được quyền định giá tiêu với thương lái. “Muốn nâng vài giá cũng không được. Họ không lấy hàng của mình, tiền đâu mà trả tiền công với bao nhiêu khoản chi khác cho gia đình? Vậy là bán”, ông Tha nói.
Ông Đình Bắc, chủ một doanh nghiệp thu mua càphê tại Dăk Nông, nhận xét: “Khi giá sản phẩm tăng, nếu biết tính toán chi phí sản xuất và cả yếu tố được mùa, nông dân còn có chút lãi. Những sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như tiêu, cao su, càphê, điều đều có chu kỳ về giá và lợi nhuận. Đại đa số nông dân Việt Nam không đủ lực để chờ đợi chu kỳ đó”.