Nông nghiệp, nông thôn Tuy Phước: Khởi sắc sau 5 năm chuyển đổi sản xuất cơ cấu cây trồng, mùa vụ
- Thứ năm - 16/07/2015 20:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Huyện Tuy Phước có diện tích đất nông nghiệp gần 10.000 ha, là một trong hai vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nền kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển rõ rệt, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỉ trọng lớn trong phát triển kinh tế của địa phương.
5 năm qua (2010 - 2014), thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện Tuy Phước đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Đối với ngành trồng trọt, huyện đã tập trung chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, như đưa những bộ giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng gạo ngon và có giá trị thương phẩm trên thị trường vào gieo sạ đại trà. Thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc trên diện tích gần 7.260 ha, tăng hơn 600 ha so với năm 2010, được xem là một thắng lợi có tính chất bước ngoặt trên lĩnh vực chuyển đổi sản xuất, cả về nhận thức của người dân và kết quả đem lại. Nhờ chuyển biến tích cực đó, nên sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đã vượt qua ngưỡng 102 ngàn tấn/năm, tăng 2.000 tấn so với Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XX, tiếp tục khẳng định thế mạnh là vùng quê lúa. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân 5 năm là 5,1% năm.
Cùng với thành công việc chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa/năm cho hiệu quả kinh tế cao, để tăng giá trị sử dụng trên một diện tích đất canh tác, từ năm 2010 đến nay, những cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã phủ kín khắp 13 xã, thị trấn trong huyện. Đến vụ Đông Xuân 2015, toàn huyện đã mở rộng sản xuất 26 CĐML với quy mô 1.800 ha, năng suất cao hơn sản xuất ngoài CĐML 9,2 tạ/ha, góp phần đưa năng suất lúa bình quân toàn huyện lên 67,8 tạ/ha, tăng hơn 5 tạ/ha so với năm 2010. Sản xuất CĐML đã đem lại thu nhập tăng thêm cho nông dân từ 4 - 5 triệu đồng/ha.
Bên cạnh nâng cao năng suất, sản lượng lúa, 5 năm qua huyện Tuy Phước đã quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng cạn và rau màu các loại đạt giá trị kinh tế cao, như: Vùng chuyên canh cây mì, cây mè, rau màu các loại ở 2 xã Phước An, Phước Thành; mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Phước Hiệp; mô hình trồng hoa ở thôn Bình Lâm xã Phước Hòa, thôn Xuân Mỹ xã Phước Hiệp, góp phần tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Nghề nuôi trồng thủy sản cũng được xem là mũi nhọn thứ hai sau cây lúa, với diện tích gần 1.000 ha mặt nước nằm ven đầm Thị Nại ở 4 xã khu Đông của huyện. 5 năm qua, huyện đã chỉ đạo người dân chuyển đổi phương thức nuôi theo hướng bền vững bằng cách giảm diện tích nuôi bán thâm canh, tăng diện tích quảng canh cải tiến, nuôi xen tôm cá và các loại thủy sản khác gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, đã hạn chế dịch bệnh xảy ra, đến năm 2015, giá trị sản xuất thủy sản của huyện đạt gần 97,19 tỉ đồng, tăng 32,87% so với năm 2010.
Ngành chăn nuôi duy trì mức phát triển khá. Toàn huyện có hơn 100 gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu là chăn nuôi heo hướng nạc, nuôi gà… Đến nay, đàn bò tăng lên 15.500 con, trong đó bò lai chiếm trên 75% tổng đàn; đàn heo 49.000 con, tổng đàn gia cầm 1,5 triệu con.
Kết quả đáng phấn khởi từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang làm thay đổi bức tranh kinh tế của nhiều vùng nông thôn Tuy Phước. Sau 5 năm, tuy còn nhiều khó khăn nhưng khu vực nông thôn Tuy Phước đã được khoác trên mình chiếc áo mới, đời sống người dân được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, từng bước đạt được các mục tiêu trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo: baobinhdinh.com.vn