Nông nghiệp tuần hoàn: Biến những thứ tưởng bỏ đi thành... “vàng”

Nông nghiệp tuần hoàn: Biến những thứ tưởng bỏ đi thành... “vàng”
Nông nghiệp tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế chính là tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi như thân cây ngô, đậu, lạc, bã sắn, bã mía, vỏ trấu… để làm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi. Tại những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, người ta gần như không phải bỏ đi thứ gì, ngược lại còn bắt rác thải “đẻ” ra tiền.

Đệm lót sinh học “thổi bay” mùi hôi chuồng trại

Trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt của Công ty CP T&T 159 nằm trong dự án khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao tại xã Yên Mông, TP.Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình).

Trang trại có diện tích gần 30ha, quy mô chăn nuôi 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò và trâu nuôi vỗ béo. Trong trang trại được phân chia thành nhiều khu khác nhau như khu nuôi bò vỗ béo, khu nuôi bò giống, khu vỗ béo trâu, khu phối trộn thức ăn, khu chế biến phân bón... 

 nong nghiep tuan hoan: bien nhung thu tuong bo di thanh... “vang” hinh anh 1

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (trái) thăm khu sản xuất phân bón, đệm lót sinh học tại Công ty CP T&T 159 Hòa Bình. Ảnh: Minh Huệ

Trung bình mỗi tháng trang trại của Công ty T&T cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu bò thương phẩm, chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn tại Hòa Bình và Hà Nội. “Triết lý của công ty là tận thu mọi thứ, không có gì là bỏ đi. Đây chính là mô hình chăn nuôi theo chuỗi tuần hoàn. Đầu ra của khâu này chính là nguyên liệu đầu vào của khâu sản xuất tiếp sau đó” - ông Hà Văn Thắng chia sẻ.

Trong chuyến thăm trang trại bò của Công ty T&T 159 hồi tháng 5/2019, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá, đây là mô hình thực sự đáng học hỏi trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay. Dù quy mô chăn nuôi lớn lên tới cả nghìn con trâu bò nhưng không hề có mùi hôi, ruồi nhặng vắng bóng, đàn bò thì con nào cũng béo khỏe, khuôn viên trang trại sạch sẽ, hiện đại.

Bộ trưởng Cường cũng cho rằng, chăn nuôi đại gia súc sẽ là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi ở nhiều địa phương và sự mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 cho biết, doanh nghiệp tuân thủ theo quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Đó là sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học cho vật nuôi. Độ dày của đệm lót khoảng 50cm, 1 tháng thu 1 lần. Toàn bộ đệm lót này sau đó được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ.

“Với đệm lót này, trang trại của chúng tôi tận thu toàn bộ chất thải từ con bò, gần như không phải vứt bỏ thứ gì. Trung bình 1 ngày, con bò ăn khoảng 30kg thức ăn thô xanh, uống 40 lít nước, thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Đây là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, nhất là trồng cỏ. Chúng tôi vẫn đùa, từ lúc bò sinh ra đến khi bán mất khoảng 24 tháng, nhưng phân bò thì ngày nào cũng được thu. Theo đó mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, giá trị 300 - 500 triệu đồng” - ông Thắng nói.

Nếu không chủ động được thức ăn, không tận dụng được phế phụ phẩm thì giá thành 1kg thịt bò có thể từ 80.000 - 100.000 đồng, nhưng nếu chăn nuôi khép kín thì giá thành sẽ giảm chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Ông Thắng cho biết thêm: “Toàn bộ các khu chuồng nuôi trong trang trại đều sử dụng đệm lót sinh học làm từ vỏ trấu, thân cây ngô, vỏ cây keo… Đệm lót sinh học giải quyết được rất nhiều vấn đề, bao gồm cả việc tận thu toàn bộ phế thải của con bò trong quá trình bài tiết, góp phần phòng chống dịch bệnh, vì trong đệm lót có nhiều vi sinh vật có ích, giúp con bò giữ ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Đàn bò khỏe mạnh, ít bị nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là giảm mùi hôi trong chăn nuôi, cuối cùng là cung cấp nguồn phân bón hữu cơ vô cùng quý giá”.

Xu hướng tất yếu

 nong nghiep tuan hoan: bien nhung thu tuong bo di thanh... “vang” hinh anh 2

Nông dân Long An bán rơm tươi cho thương lái mua về bán lại cho người nuôi bò, trồng thanh long...  Ảnh: D.V

 nong nghiep tuan hoan: bien nhung thu tuong bo di thanh... “vang” hinh anh 3

"Các mô hình sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi giun quế, nuôi ruồi lính đen, sau đó lấy giun quế, ruồi lính đen làm nguồn protein chăn nuôi lợn, gà, thủy sản ở nhiều nơi đang thu được thành công và cần được nghiên cứu nhân rộng. Đây là hướng đi rất hay bởi người chăn nuôi vừa có nguồn protein tốt, vừa xử lí được chất thải, bảo vệ môi trường”.

Ông Tống Xuân Chinh

Theo GS - TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trước những thách thức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng về nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và gần đây là sự tranh chấp căng thẳng về rác thải giữa một số nước, thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu.

“Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp”- GS - TS Nguyễn Thị Lan cho biết.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng nhận định, nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong tương lai, nhất là khi Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, Luật Chăn nuôi quy định điều đầu tiên là các tổ chức cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm xử lý các chất thải chăn nuôi ở dạng rắn, lỏng, khí. Các trang trại quy mô lớn buộc phải áp dụng công nghệ cao để xử lý chất thải chăn nuôi, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ khí thải tới chất thải lỏng, chất thải rắn… Sau đó các cơ sở mới được phép xả các chất thải đó ra môi trường chung.

Trong trường hợp các cơ sở không có đủ công nghệ như vậy, họ phải sử dụng nước thải, chất thải rắn của vật nuôi sau khi đã xử lý theo những cách khác nhau tùy mục đích dùng, hoặc bón cho cây trồng của họ. Lượng chất thải còn thừa sẽ được đem chế biến thành phân bón hữu cơ, vi sinh để thương mại hóa, tăng giá trị gia tăng cho chăn nuôi.

“Về mặt chiến lược lâu dài, Cục Chăn nuôi sẽ đề xuất những chính sách để hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi. Khuyến khích cơ sở chăn nuôi sản xuất phân bón hữu cơ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nước thải chăn nuôi sau khi đã xử lý để tưới cho cây trồng, giảm sử dụng phân bón hóa học… Đây là bước đầu hình thành một khái niệm chăn nuôi tuần hoàn hay kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn. Tức là đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình khác” - ông Chinh cho biết.

GS Phan Ngọc Minh - Phó Giám đốc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam:
Tối ưu hóa giá trị kinh tế

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, các phụ phẩm được thải ra và thông qua các quá trình biến đổi vật lý, hóa học và sinh học tạo ra các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế đem lại cho người sản xuất. Ngoài ra, các chế phẩm này cũng có thể là sản phẩm cung cấp cho những ngành, lĩnh vực khác như chitosan từ đầu tôm, các loại dầu cá cho ngành dược phẩm...

Đặc biệt, nếu áp dụng nông nghiệp tuần hoàn công nghệ cao, không những có thể chế tạo các phụ phẩm thành các chế phẩm phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà còn tạo ra năng lượng (điện năng, biodiesel, nhiệt lượng) để phục vụ cơ giới hóa và tự động hóa và những sản phẩm nông nghiệp khác. 

GS-TS Nguyễn Thị Lang (Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL):

Tận dụng tối đa phụ phẩm sản xuất lúa gạo

Ngành lúa gạo Việt Nam đang gặp khó khăn đầu ra, thu nhập của người trồng lúa vẫn ở mức thấp do chúng ta mới khai thác được sản phẩm chính là gạo chứ chưa tận dụng hết sản phẩm phụ quanh nó.
Ví dụ 1ha chỉ thu được 5 tấn lúa, còn 7 tấn rơm rạ vẫn nằm ngoài đồng, chỉ sử dụng được 10% trong số này làm thức ăn, nên còn lãng phí năng lượng. Ngoài ra, 5 tấn lúa cũng mất 25% trấu, chúng ta cũng lãng phí chứ chưa tận dụng được.

Trong khi thị trường tro trấu làm phân bón khá tốt, hoặc chế biến dưới dạng silic làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thủy tinh. Hay cám gạo chỉ sử dụng cho thức ăn gia súc. Nếu biết cách sử dụng trấu làm được silic, thì chúng ta chỉ cần trồng lúa lấy trấu là đủ...

TS Kiều Minh Lực (Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam):

Mang lại nhiều lợi ích trong chăn nuôi

Việt Nam hiện có tổng đàn lợn hơn 30 triệu con, trong đó có đến hơn 40% quy mô công nghiệp, mỗi ngày sử dụng hàng trăm ngàn tấn thức ăn. Trong một nền chăn nuôi lợn công nghiệp đang phát triển như Việt Nam, nếu chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua phế phụ phẩm, sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Phân, nước tiểu và kể cả xác chết vật nuôi phải được chuyển hoá thành phân bón cho cây trồng. Hiện đã có máy tách, ép phân lợn không quá cầu kỳ, cơ sở cơ khí nội địa dư khả năng làm.

Ở các nước phát triển, mô hình kinh tế tuần hoàn ngay trong trang trại đã được áp dụng từ khá lâu. Phân và nước thải của vật nuôi có thể làm gas, phát điện phục vụ ngược lại cho hoạt động của trang trại.

Theo tính toán, nhờ tận dụng tốt kinh tế tuần hoàn nên giá thành nuôi lợn ở Mỹ, hay các nước EU chỉ dao động trên dưới 1 euro/kg lợn hơi, còn ở ta, cao hơn 1,5 lần.

Thiên Hương (tổng hợp)


Theo: Minh Huệ/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/nong-nghiep-tuan-hoan-bien-nhung-thu-tuong-bo-di-thanh-vang-1051001.html