Xuất thô, giá thành cao, tổn thất sau thu hoạch lớn
Phát biểu tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân với chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam”, TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Liên minh Nông nghiệp - cho biết: Trong chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu (XK) đều tồn tại những hạn chế nhất định. Ở khâu đầu vào, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng quá nhiều nước vẫn diễn ra. Khâu sản xuất, quy mô khá nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động khiến giá thành sản phẩm bị “đội” cao nhưng chất lượng sản phẩm không đồng nhất cũng là những hạn chế điển hình.
"Ở khâu sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Cụ thể, rau quả 32%, thịt 14% và thủy sản 12%... Bên cạnh đó, hạn chế là thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển, đóng gói kém và giao dịch quá nhiều khâu trung gian” - TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Cần vượt qua rào cản an toàn thực phẩm
Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, các DN chế biến xuất khẩu (XK) đang yếu ở vấn đề xây dựng thương hiệu.Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - hiện nay, XK nông sản thường vướng ở khâu mở cửa thị trường và những hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là khi XK vào các thị trường nông nghiệp của các nước có trình độ cao hơn. Đối với các thị trường cao cấp như Australia, Nhật, Mỹ, EU…, các hàng rào kỹ thuật, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là yêu cầu về vấn đề ATTP rất cao. Do đó, muốn XK thêm các mặt hàng mới và giữ ổn định thị trường này, cần ổn định được quy trình sản xuất. Đặc biệt, các DN tham gia vào chuỗi cũng phải có trình độ quản trị tương xứng để có thể làm ra các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn, vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước có yêu cầu cao.
Đối với thị trường trong nước, “rào cản” đối với DN là niềm tin của người tiêu dùng. TS Đào Thế Anh cho rằng, để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm nông nghiệp cần phải quan tâm tới vấn đề minh bạch thông tin. Do người tiêu dùng chưa hiểu rõ sản phẩm, biết rõ nguồn gốc nên mới dẫn đến thực trạng sản phẩm tốt vẫn không thể tiêu thụ được. Khi các nhà sản xuất hợp tác với nhau và mọi thông tin về sản phẩm được minh bạch, lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ tăng lên. Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị thông qua đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó giảm tối đa việc phải giải cứu nông sản, tạo thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần thúc đẩy quan hệ liên kết DN - HTX, các mối quan hệ hợp tác công tư, chuyển giao công nghệ. Xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng ATTP. Nhưng cốt lõi là, cần áp dụng công nghệ quản trị hiện đại như truy xuất nguồn gốc vào quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu thất bại của thị trường cạnh tranh hiện nay.