Nông sản Việt lo chuyện hội nhập - Kỳ I: Đường lớn chưa hẳn dễ đi

Cuối năm nay, Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Cùng với đó, một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký và đang chuẩn bị ký kết như FTA với Liên minh Châu Âu (EU), TPP... đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Nhưng để bước qua được cánh cửa này, nông sản Việt còn phải nỗ lực rất nhiều.
 
Bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu là vấn đề cần quan tâm

Lợi thế về xuất khẩu
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao như gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều, sắn, trái cây… Vì vậy, những mặt hàng này sẽ được hưởng lợi khi ký kết các FTA.
 
Theo ông Trần Kim Long- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN &PTNT) - với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông, thủy sản, đã có 1.434 dòng thuế về 0%, còn lại 123 dòng thuế ở mức thuế 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm. Đến năm 2018, chỉ còn 55 dòng giữ mức thuế 5%. Đối với cam kết trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), năm 2015, có 21 dòng sản phẩm duy trì mức thuế cao 20% (lá chè xanh - đen, gạo, thịt và phụ phẩm sau mổ,…), 80dòng ở mức thuế 5%, 46 dòng chưa cam kết cắt giảm. Đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm duy trì thuế, toàn bộ 80 sản phẩm áp thuế 5% sẽ giảm xuống còn 0%...
 
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, việc ký kết FTA Việt Nam - Hàn Quốc giúp chúng ta có nhiều lợi thế hơn so với FTA ASEAN - Hàn Quốc đã có trước đó. Vì Hàn Quốc dành cho Việt Nam các ưu đãi cắt giảm thuế nhanh, tạo cơ hội cho xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thủy sản và hoa quả, dệt may, đồ gỗ. Điển hình như mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với hạn ngạch 10 ngàn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm lên đến 15 ngàn tấn/năm, trong khi cả khối ASEAN chỉ được 5 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 2.500 tấn tôm/năm sang thị trường Hàn Quốc.
 
Bài toán về chất lượng
 
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu đang là thách thức với các ngành hàng của Việt Nam. Đơn cử như đối với mặt hàng điều, thời gian gần đây, phía Mỹ - thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, qua khảo sát 32 nhà máy chế biến điều của Việt Nam, đã phát hiện khá nhiều đơn vị chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - khẳng định: “Chỉ cần một mẫu không đạt chất lượng thì 100% lô hàng khi xuất qua Mỹ sẽ bị kiểm tra. Nếu họ phát hiện không đạt yêu cầu lần hai thì ngay lập tức bị cấm xuất khẩu và khi Mỹ đã ngừng mua thì hầu hết các nước khác cũng sẽ tẩy chay”.
 
Tương tự như vậy đối với tôm sang Hàn Quốc, đại diện Công ty Sunhill Fisheries - một trong những công ty nhập khẩu nhiều thủy sản nhất của Hàn Quốc cho biết, năm 2015, công ty sẽ tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này cũng phàn nàn về một số vấn đề từng gặp phải như: Tôm bị bơm tạp chất, trọng lượng thật của hàng hóa không đúng và hàng mẫu không giống nhau do lượng đá quá nhiều.
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản - cho hay, doanh nghiệp Việt Nam phải nghiêm túc bảo đảm chất lượng thì mới có thể thúc đẩy xuất khẩu. Bà Phạm Châu Giang - Trưởng phòng Điều tra vụ kiện thương mại doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - khẳng định, nếu doanh nghiệp không thay đổi phương pháp sản xuất, mẫu mã, đầu tư chất lượng, sẽ đánh mất thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Để tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành.
 
Kỳ II: Cà phê Việt - thách thức từ nội tại
 
Lan Anh (Báo Công Thương)