Nông sản Việt lo chuyện hội nhập - Kỳ III: Định vị cho thương hiệu chè

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang và sẽ tiếp tục là động lực để thương hiệu chè Việt Nam có thể đánh dấu trên bản đồ chè thế giới.
Tạo dựng thương hiệu chung cho chè Việt Nam khi ra thị trường thế giới
Chất lượng vẫn là nỗi lo
 
Theo thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas): Việt Nam đang là nước có sản lượng chè xuất khẩu đứng thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Kenya, Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đạt xấp xỉ 230 triệu USD. Tuy nhiên, đến 90 - 95% chè Việt Nam đang xuất khẩu dưới dạng thô, sản phẩm sơ chế. Hiện tại chè Việt thường phải mang tên của các hãng chè lớn nước ngoài hoặc bị lẫn lộn khi xuất khẩu.
 
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều thị trường vẫn còn áp dụng mức thuế suất cao đối với chè nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng thương phẩm (đóng gói dưới 3 kg). Trong khi chè Việt vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng, cộng với thuế cao và giá thành tăng đã trở thành rào cản làm sản phẩm càng khó cạnh tranh.
 
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chánh văn phòng Vitas - cho biết, theo lộ trình các FTA đã ký, mức thuế suất nhập khẩu chè vào các nước sẽ dần giảm xuống bằng 0%, bao gồm cả các sản phẩm chè đóng gói dưới 3 kg. Khi đó, các sản phẩm chè đóng gói nhỏ, mang thương hiệu Việt sẽ dễ dàng phân phối tới tận tay người tiêu dùng qua các kênh tiêu thụ: siêu thị, nhà hàng…
 
Hiện chè Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 120 nước, trong đó có các thị trường chính như: Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Trung Quốc, Nga, Mỹ… Song mỗi nước lại có một số yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng, về nồng độ hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đơn cử vào tháng 4/20153 container chè xuất khẩu của một doanh nghiệp Việt xuất đi Đài Loan đã bị trả loại do dư lượng 2 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là Acetamiprid và Imidacloprid vượt quá mức cho phép. Ngoài 2 hoạt chất bảo vệ thực vật này, hiện còn có thêm 4 hoạt chất khác (Fipronil, Carbendazim, Cypermethrin, Buprofezin) cũng đang bị các nước nhập khẩu chè, đặc biệt là EU và Đài Loan nghiêm cấm sử dụng, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng Việt Nam loại khỏi danh sách cấm sử dụng trên cây chè.
 
Xây dựng thương hiệu Việt bền vững
 
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước ta hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Tổng sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 180.000 - 190.000 tấn/năm.
 
Đặc điểm của chè Việt Nam là có nhiều dòng chè, nhiều chủng loại khác nhau được trồng ở các vùng miền. Từ chỗ trước kia chỉ có 2loại chè chính là chè đen OTD và chè xanh, thì nay nước ta đã có đầy đủ các loại chè phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng trên thế giới như: chè đen OTD và CTC, chè sao lăn, chè OTD xanh, chè Ô long, Phổ Nhĩ, chè hương, chè thảo dược… Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Vitas - chia sẻ: “Đây là một lợi thế lớn khi chè Việt xâm nhập vào thị trường chè thế giới, có thể bằng nhiều thương hiệu, nhiều thị trường khác nhau. Nhưng quan trọng vẫn phải xây dựng được một thương hiệu chung của chè Việt Nam - bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý”.
 
Để làm được điều này, cần có sự gắn bó mật thiết chặt chẽ giữa tất các các khâu: từ nông dân sản xuất - thu mua - nhà máy chế biến - doanh nghiệp kinh doanh. Các địa phương có diện tích trồng chè trên cả nước cần có sự điều chỉnh lại, quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến, rà soát chặt, đảm bảo tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp chế biến ký kết hợp đồng với nông dân trồng chè.
 
Từ cuối năm 2014, Bộ NN&PTNT đã ra mắt Ban chỉ đạo Phát triển chè bền vững nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng Dự án phát triển giống chè đến năm 2020, hỗ trợ đắc lực nâng cao chất lượng chè Việt Nam.
 
Hà Thu (Báo Công Thương)