Lợi thế đồ gỗ
Đến thời điểm này, đã có một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được hưởng lợi, nhất là gỗ và sản phẩm gỗ (gọi chung là đồ gỗ).
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ đạt 2,249 tỷ USD, tăng tới 32,24% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng rất cao bởi trong cả năm 2018, giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tuy tăng trưởng tốt (tăng 19,3% so với năm 2017) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm nay.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực tới các công ty sản xuất nội thất của Trung Quốc. Theo Bộ Công thương, các công ty sản xuất nội thất Trung Quốc là bộ phận chịu tác động lớn nhất của chính sách thuế do Mỹ áp dụng đối với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang có cơ hội tốt hơn để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ với giá dễ chịu hơn.
Lợi thế cho thủy sản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng rất mạnh với mức tăng tới 61% so với cùng kỳ 2018 và đạt 159 triệu USD. Mỹ là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam.
Do đó, mức tăng trưởng mạnh nói trên đã tác động rất tích cực tới tăng trưởng xuất khẩu chung của cá ngừ. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đi tất cả các thị trường đạt hơn 366 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bắt đầu từ ngày 10/5, Mỹ đã áp mức thuế mới 25% với cá ngừ nhập khẩu từ Trung Quốc, thay cho mức 10% trước đây.
Trung Quốc vốn là nước cung cấp cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ. Vì thế, sau khi cá ngừ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị nâng thuế, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã buộc phải đi tìm nguồn cung thay thế từ các nước như châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan …
Cũng theo VASEP, tôm bao bột là mặt hàng đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm bao bột sang Mỹ đạt 4.281 tấn, trị giá 30,9 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Vòng luẩn quẩn của cá tra
Vừa mới đạt tới đỉnh cao cả về giá cá nguyên liệu lẫn giá trị xuất khẩu cá thành phẩm trong năm 2018, cá tra đã lại phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn trong năm 2019.
Mà cái khó lớn nhất là giá cá nguyên liệu. Trong tháng 7, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã tụt xuống chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, và hiện cũng đang ở mức khoảng 20.500 đồng/kg, đều ở dưới giá thành khá xa.
Xem ra, nghề nuôi cá tra năm nay lại đi vào vết xe đổ: Giá cá nguyên liệu hấp dẫn - dân đổ xô vào nuôi - sản lượng tăng cao - cung vượt cầu - giá cá nguyên liệu giảm mạnh xuống dưới giá thành - nhiều người nuôi thua lỗ nặng, bị phá sản - vụ sau hàng loạt người treo ao, bỏ nuôi - sản lượng giảm mạnh - giá cá nguyên liệu lại tăng lên cao - nhiều người lại đổ xô vào nuôi…
Một điều rất đáng suy ngẫm là nếu như trong những ngành hàng nông sản khác, vẫn có không ít hộ sản xuất nhỏ, thì nuôi cá tra, với đặc thù vốn đầu tư rất lớn, giờ đây hầu như chỉ còn toàn những người có tiền tham gia. Thông thường, với những người có tiền, khi đầu tư vốn lớn vào sản xuất, sẽ phải tính toán kỹ càng hơn hẳn so với những hộ sản xuất nhỏ. Vậy mà đáng tiếc thay, không ít người vẫn chưa ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.
Vòng luẩn quẩn của cá tra cũng là vòng luẩn quẩn mà nhiều ngành hàng nông sản Việt Nam đang vướng phải. Cứ thấy được giá là đổ xô vào nuôi, trồng, khiến cho sản lượng tăng lên mạnh trong một thời gian ngắn, rồi giá cả lại giảm mạnh xuống, làm cho nhiều người thua lỗ, trắng tay.
42 thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo theo Nghị định 107
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp đầu mối được xuất khẩu gạo và điều kiện trở thành doanh nghiệp đầu mối được nới lỏng rất rõ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến nay đã có thêm 42 thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo sau khi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo mới được Chính phủ ban hành vào tháng Tám vừa qua được kỳ vọng sẽ gỡ vướng và tạo môi trường thông thoáng nhất cho doanh nghiệp ngành gạo phát triển.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh đây là một bước đột phá trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp và quan trọng hơn là Nghị định đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp đầu mối được xuất khẩu gạo và điều kiện trở thành doanh nghiệp đầu mối được nới lỏng rất rõ.
Cùng với đó, các điều kiện yêu cầu phải sở hữu cơ sở xay xát, kho bãi được xóa bỏ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không cần phải đứng tên sở hữu các cơ sở này mà có thể đi thuê. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực cũng như tận dụng các cơ sở dư thừa của các doanh nghiệp khác, tiết kiệm chi phí...
Ngoài ra, Nghị định cũng giúp bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo kiến nghị trước đó của doanh nghiệp vì sợ lộ các bí quyết kinh doanh.
Chính vì vậy, quy định mới đã cho phép một số thương nhân không cần giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn có thể xuất khẩu khi tập trung các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất... Đây là điều rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp ngành gạo bởi các doanh nghiệp nhỏ chưa đủ điều kiện để xuất khẩu các loại gạo thông thường nhưng nếu tập trung vào những sản phẩm gạo đặc trưng, đặc thù thì vẫn có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.