Nông sản ngoại áp đảo nông sản nội
- Thứ năm - 09/07/2015 23:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, chợ Hà Tĩnh được coi là chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận, với hơn 500 quầy hàng, mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn nông sản các loại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, thị phần hàng Trung Quốc đang ở thế áp đảo. Quầy hàng hoa quả của chị Nhuận chuyên bán buôn, bán lẻ với số lượng khá lớn và cũng giống như những quầy hàng khác, do nhu cầu của khách nên chị bán cả trái cây Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Chị cho biết: “Tôi đều nói thật với khách hàng đâu là hàng Việt, đâu là hàng Tàu. Thực tế, chỉ một số ít khách hàng khó tính trong việc chọn lựa sản phẩm, còn lại vẫn bị hấp dẫn bởi sự đa dạng về chủng loại cũng như hình thức bắt mắt, giá cả phải chăng của trái cây Trung Quốc. Do yếu tố “độc quyền” về sản phẩm, một số loại như táo đỏ, lê, đào, nho… chỉ có xuất xứ từ Trung Quốc nên dù ái ngại, khách hàng vẫn lựa chọn”.
Các loại tỏi, gừng Trung Quốc được bày bán công khai với khách hàng |
Bên cạnh một số chủ hàng mạnh dạn công khai nguồn gốc hàng hóa thì số còn lại vẫn nhập nhèm khi khách hàng chất vấn xuất xứ sản phẩm. Trong vai khách mua trái cây, khi hỏi cam chanh có xuất xứ từ đâu thì chủ hàng trả lời là của Nghệ An nhưng thực tế, mùa này, với điều kiện đặc thù của nước ta, cam chanh không thể cho thu hoạch. Tương tự, táo đỏ được dán nhãn USA mà chúng tôi mua với giá 100.000 đồng/kg cũng được người quen “xi nhan” đó là hàng về từ biên giới Tây Nam nhưng giá nhập đắt hơn loại táo thông thường nên bán đắt hơn.
Các loại gia vị như gừng, tỏi, hành tím của Trung Quốc cũng được bày bán tràn lan trên các quầy hàng và được đa số chủ hàng công khai về nguồn gốc. Ở hầu hết các quầy hàng, những sản phẩm hành, tỏi, gừng Trung Quốc và Việt Nam được bày song song và mọi khách hàng đều được chủ quầy tư vấn cách phân biệt. Theo đó, sản phẩm của Việt Nam thường nhỏ, hình thức xấu nhưng có mùi thơm, còn hàng Trung Quốc hình thức bắt mắt nhưng chất lượng kém hơn.
Chị Chinh - tiểu thương bán nông sản khô ở chợ Hà Tĩnh cho biết: “Tỏi, hành, gừng Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ hơn, củ to, múi to, thuận lợi cho khâu chế biến nên thường được những khách hàng lớn như chủ nhà hàng, các nhóm chuyên nấu ăn phục vụ sự kiện, các thương lái ở chợ huyện, chợ quê ưu tiên lựa chọn. Do thị trường có cầu nên chúng tôi nhập hàng để bán nhưng không thể cam đoan về độ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng”.
Dù biết hoa quả Trung quốc nhưng khách hàng vẫn chọn mua vì đẹp |
Như các tiểu thương đã nói, có cầu thì mới có cung, chính ý thức của người tiêu dùng là yếu tố hàng đầu quyết định thị trường. Chị Trúc (phường Bắc Hà) cho biết: “Mặc dù đã được cảnh báo về độ an toàn của các loại nông sản Trung Quốc nhưng vì nhiều lý do như cần nhiều loại trái cây bày mâm ngũ quả trong dịp lễ, tết hoặc làm các giỏ quà biếu, tôi vẫn phải mua các loại quả mà chủ hàng tiết lộ có xuất xứ từ Trung Quốc”. Tương tự, rất nhiều đám cưới ở quê, thay vì chọn các loại trái cây Việt Nam như chuối, dưa hấu thì vì tính chất sang trọng, tiện lợi, nhiều gia chủ lại chọn quýt, nho, cam làm món tráng miệng.
Nhiều năm nay, cứ mỗi mùa thu hoạch nông sản, thay vì niềm vui được mùa thì người nông dân Việt Nam lại đứng trước nỗi lo ế ẩm và “rớt” giá. Trong khi thương lái Trung Quốc tìm mọi cách ép giá nông sản Việt Nam thì vô hình trung, ý thức của người tiêu dùng đã bắc cầu cho nông sản Trung Quốc áp đảo thị trường hàng Việt. Mặc dù, các cơ quan, ban, ngành, địa phương ra sức tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nhưng thực tế thì hiệu quả chưa như mong muốn. Đơn cử như hành tím Sóc Trăng và dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi đang được tiêu thụ bằng… lòng từ thiện.
Thúy Ngọc - Anh Hoài
Theo: baohatinh.vn