Nông thôn Chiêm Hóa khởi sắc

Nông thôn Chiêm Hóa khởi sắc
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn ở khắp các làng quê huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thay đổi rõ rệt. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Ma Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện, xung quanh vấn đề này.

Ông Ma Văn Long.

 

Ông có thể khái quát vài nét về 6 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn huyện?

Sau thành công trong việc lãnh đạo, chỉ đạo XDNTM ở 3 xã: Kim Bình, Yên Nguyên, Vinh Quang về đích theo đúng kế hoạch, Đảng bộ, chính quyền huyện Chiêm Hóa đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn dân vào cuộc quyết liệt, có định hướng cho từng giai đoạn cụ thể.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền, vận động để người dân tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các xã trên địa bàn là những bài học kinh nghiệm được rút ra sau 6 năm triển khai chương trình XDNTM. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự chung sức đồng lòng của chính quyền và người dân, huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo quyết liệt quyết tâm thực hiện mục tiêu theo lộ trình đề ra.

Có thể khẳng định, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận cao của người dân, nông thôn Chiêm Hóa đã thay da đổi thịt. Cái được lớn nhất chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được tăng lên đáng kể, những vùng quê vốn nghèo nay đã khởi sắc và ngày càng văn minh, hiện đại.

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng, Chiêm Hóa đã chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để người dân hiểu đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là phong trào sâu rộng toàn quốc, tuyên truyền có chiều sâu, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong chương trình.

Theo ông, đâu là những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện?

Chiêm Hóa có được sự đồng lòng của cán bộ, sự ủng hộ của nhân dân. Ngay từ thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình XDNTM, trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, huyện đã có sẵn một hệ thống chính trị vững mạnh tại các thôn, xã để được triển khai kịp thời, chất lượng. Bên cạnh đó, an ninh trật tự thôn, xóm được đảm bảo là nền tảng quan trọng để hướng tới các tiêu chí khác trong XDNTM. Trong quá trình thực hiện, huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan, ban ngành Trung ương, tỉnh, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương khác.

Nhờ trồng cam, nhân dân xã Trung Hà có nguồn thu nhập ổn định.

Chiêm Hóa có xuất phát điểm thấp, tại thời điểm bắt đầu thực hiện triển khai chương trình, những tiêu chí quan trọng như giao thông, thủy lợi, trường học, thu nhập… gần như chưa có xã nào đạt. Kết quả rà soát đánh giá thực trạng (năm 2010 – 2011), hầu hết các xã chỉ đạt 3 - 5 tiêu chí, có 2 xã không đạt tiêu chí nào.

Nguồn vốn đầu tư cho XDNTM rất lớn, trong khi điều kiện của huyện còn nghèo, nguồn vốn xã hội hóa hạn chế do đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, tiến độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình XDNTM  còn hạn chế. Hầu hết các xã chưa đề ra được cách làm để thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí có thể huy động nội lực trong nhân dân. Việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chưa mạnh mẽ, sâu rộng, việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực nông thôn rất khó khăn…

Đến nay, Chiêm Hóa đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Mô hình trồng thâm canh lạc giống L14 chọn lọc tại xã Hà Lang.

Người dân đã xác định được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, họ vừa là người thực hiện, vừa là người hưởng lợi, từ đó, đồng thuận tham gia. Giai đoạn 2011-2015, kết quả huy động các nguồn lực đạt 586.183,447 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chương trình 73.944,08 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 68.706,4 triệu đồng; vốn vay tín dụng 129.653,8 triệu đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp, HTX 65.836,6 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp 248.043,5 triệu đồng.

Tính đến hết năm 2016, đã có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí (Kim Bình, Yên Nguyên, Vinh Quang); 3 xã đạt 12 tiêu chí (Phúc Thịnh, Hòa Phú, Xuân Quang); 2 xã đạt 11 tiêu chí (Hùng Mỹ, Tân An); 1 xã đạt 10 tiêu chí (Hòa An); các xã Trung Hòa, Tân Mỹ, Yên Lập… đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí hàng năm tăng dần qua các năm: Năm 2011 đạt bình quân 3 tiêu chí/xã, năm 2015 được 8,2 tiêu chí/xã, 2016 là 10 tiêu chí/xã, năm 2017 đạt 11,72 tiêu chí/xã. Năm 2017, chúng tôi phấn đấu hoàn thành XDNTM ở xã Hòa Phú, xã Phúc Thịnh cơ bản hoàn thành các tiêu chí.

Chúc Huyện ủy, ủy ban nhân dân và bà con đạt kết quả cao nhất trong thực hiện chương trình quan trọng này.

 Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo: Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn