Nông thôn Quảng Ngãi đã có chuyển biến rõ nét

Nông thôn Quảng Ngãi đã có chuyển biến rõ nét
Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi đã “thay da đổi thịt”. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Quảng Ngãi xung quanh vấn đề này.

Sau gần 6 năm thực hiện Chương trình XDNTM, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả nổi bật, quan trọng nào, thưa ông?

Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các nghị quyết và quyết định quan trọng để tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình; cấp ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố và xã đã ban hành các nghị quyết, quyết định chuyên đề về XDNTM, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình.

Đã sớm thành lập và kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, bộ máy quản lý thực hiện Chương trình MTQG XDNTM từ cấp tỉnh đến xã, thôn.

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn được quan tâm đầu tư; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường bước đầu được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ nên s­ố lượng tiêu chí NTM bình quân/xã đã tăng thêm 7 tiêu chí so với năm 2011; một số xã có số tiêu chí bình quân tăng thêm nhanh và đạt chuẩn NTM. Tính đến ngày 30/9/2017, toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 20,1% tổng số xã.

Đạt chuẩn NTM  đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí càng khó hơn. Xin ông cho biết, Quảng Ngãi đã có những giải pháp cụ thể nào về việc này?

Hàng năm, UBND tỉnh đều xem xét phân bổ vốn Trung ương cho các xã đạt chuẩn NTM để duy tu bảo dưỡng công trình, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và đạt chuẩn xã NTM bền vững.

Hiện, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu nhằm tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và cải thiện đời sống dân cư ở các xã đã đạt chuẩn NTM, giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn.

Ngoài việc khuyến khích các xã đạt chuẩn tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung phát triển sản xuất, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với XDNTM; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn (tập trung giải quyết các vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất). Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

Bộ mặt nông thôn Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Nhiều địa phương khi gấp rút hoàn thành XDNTM trong khi nợ đọng nhiều kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

So với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Ngãi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình MTQG XDNTM tương đối muộn. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, bình quân cả tỉnh chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã (năm 2011) nên để XDNTM đạt kết quả thì nhu cầu vốn đầu tư không hề nhỏ, ngân sách các cấp dành cho XDNTM chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi các nguồn huy động khác như tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho XDNTM không đáng kể nên tình trạng nợ đọng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt chuẩn đúng kế hoạch là không tránh khỏi.

Tính đến tháng 2/2017, tổng số nợ đọng trên địa bàn tỉnh là 162.766 triệu đồng, trong đó các huyện nợ nhiều là Sơn Tịnh (29.399 triệu đồng), Mộ Đức (33.933 triệu đồng), Nghĩa Hành ( 31.311 triệu đồng), Tư Nghĩa (25.353 triệu đồng); tập trung chủ yếu vào các xã đã đạt chuẩn NTM.

Trong khi ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho chương trình còn nhiều hạn chế, khó khăn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung xây dựng giải pháp huy động các nguồn lực khác, các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện chương trình như: lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác; tăng cường huy động vốn qua kênh tín dụng, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX; huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, để giảm mức tối đa phát tình trạng phát sinh nợ đọng trong nhưng năm tiếp theo.

Xin chân thành cảm ơn ông!
 

Theo: Hải Yến/kinhtenongthon.com.vn