Nông thôn Sơn La khởi sắc: 88% số dân dùng nước hợp vệ sinh
- Thứ ba - 04/06/2019 03:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với quyết tâm phấn đấu đưa Sơn La trở thành địa phương có 100% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, tỉnh đang có nhiều giải pháp triển khai hiệu quả...
Cán bộ nhà máy nước sạch xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đang vận hành hệ thống. |
Theo Ban điều hành Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tỉnh Sơn La (BĐH Chương trình), đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 35/188 xã hoàn thành chỉ tiêu về sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 18,6% số xã, trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM.
Cũng theo BĐH Chương trình, tính đến hết năm 2018, tổng số hộ dân nông thôn của tỉnh Sơn La khoảng 237.300 hộ, 1.072.602 người; số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 944.000 người, tương đương 88%, trong đó cấp nước qua công trình cấp nước tập trung có 349.200 người, đạt tỷ lệ khoảng 37%, còn lại cấp nước qua công trình phân tán.
Trong năm 2018 vừa qua, BĐH Chương trình đã hoàn thành điều tra, khảo sát chuẩn bị đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng 18 công trình, 4 công trình xây dựng mới. Hiện đã khởi công 22 công trình.
Dự tính, hết năm 2019 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 14 công trình cấp nước sạch đạt Quy chuẩn 02-2009/BYT, lũy kế đạt 10.368 đấu nối (khoảng 46.656 người sử dụng). Cùng với đó, tiến hành cấp nước, hoàn thành đưa vào sử dụng 36 nhà vệ sinh cho hệ thống trường phổ thông và mẫu giáo; tiếp tục khởi công xây dựng thêm 92 công trình.
Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng BĐH Chương khẳng định: Hoàn thành các mục tiêu về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhờ đó đời sống người dân cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới theo hướng văn minh hiện đại.
Công tác truyền thông đã góp phần phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi một số tập quán lạc hậu. Chính quyền các cấp, người dân qua đó đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia Chương trình, hiệu quả cấp nước và vệ sinh môi trường tăng lên rõ rệt.
Đồng thời, tình trạng hư hỏng, xuống cấp ở các công trình cấp nước tập trung quy mô trên 500 hộ đã được khắc phục, hiệu quả đầu tư đảm bảo theo hướng bền vững, thị trường nước sạch và vệ sinh nông thôn bước đầu hình thành trên địa bàn một số xã. 2 xã Mường Sang và Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu đã sớm đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Để tìm hiểu rõ thêm, chúng tôi đã tìm đến xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, cứ vào tháng 4, tháng 5, khô hạn cao điểm, thiếu nước trầm trọng, bà con phải nhao đi tìm nước. Có nhà khoan giếng rất sâu mà không có nước. Nhiều nhà phải cắt cử người lên rừng gánh nước về ăn. Đặc biệt, tại các khu vực phát triển du lịch, thiếu nước là vấn đề rất cấp bách. Phải rất khó khăn, vất vả để có nước sạch phục vụ du khách.
Người dân đun nấu, ăn uống hoàn toàn bằng nước của nhà máy. |
Nhưng 2 tháng trở lại đây, từ khi có dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch của Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Sơn La thì tình hình cung cấp nước sạch đã ổn định, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Người dân thấy được hiệu quả của chương trình nên rất hưởng ứng, đã đấu nối sử dụng nước sạch ngay từ đầu.
Tính đến nay, 6 bản của xã Đông Sang đã có nước sạch là Bản Búa, Tự Nhiên, Tiểu khu 34, Bản Áng 1, Bản Áng 2, Bản Áng 3. Khi nước được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, người dân vô cùng vui mừng, phấn khởi.
Ông Nguyễn Viết Hạnh, ở bản Búa chia sẻ: Ban đầu, gia đình chúng tôi sử dụng chủ yếu nước giếng, nước mưa thì không được đảm bảo, vừa sử dụng vừa e ngại về sức khỏe. Nhưng ngay sau khi nhà máy nước sạch đi vào hoạt động, gia đình tôi rất vui mừng và đăng ký sử dụng đầu tiên. “Nhìn chung, nước sạch của nhà máy đáp ứng yêu cầu thiết yếu của bà con nơi đây. Đã không còn tình trạng thiếu nước vào các tháng cao điểm. Đặc biệt hơn, không có hiện tượng nước cáu bẩn nên gia đình rất yên tâm. Các thành viên trong nhà thoải mái ăn uống, tắm giặt, không còn sợ bị viêm da, ngứa ngáy như lúc dùng nước giếng”, ông Hạnh nói. |