Nông thôn là lĩnh vực ưu tiên của ngành Ngân hàng

Nông thôn là lĩnh vực ưu tiên của ngành Ngân hàng
Hệ thống ngân hàng vào cuộc mạnh mẽ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Agribank là chủ lực

Tại buổi lễ tôn vinh doanh nhân, DN trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được Văn phòng Chính phủ và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tổ chức mới đây, Agribank vinh dự được ghi nhận là đơn vị đóng góp tích cực nhất đối với phong trào này. Nếu như hồi năm 2010, khi mới thực hiện thí điểm cho vay ở 11 xã, thì đến ngày 30/6/2015 Agribank đã triển khai nhân rộng cho vay xây dựng NTM lên đến 8.985 xã trong cả nước, dư nợ đạt 233.841 tỷ đồng.

Đặc biệt, đã có 3 đơn vị của Agribank được nhận bằng khen của Chính phủ, đó là Agribank chi nhánh Bắc Giang với công trình xây dựng giao thông, trường học, y tế, nhà tình nghĩa và tặng quà cho người nghèo; Agribank chi nhánh Hà Tĩnh với chương trình cho vay 15.568 tỷ đồng hỗ trợ NTM với tổng số lãi đã hỗ trợ là 57.866 triệu đồng và Agribank chi nhánh Hậu Giang với chương trình cho vay giải quyết việc làm, vay thu mua chế biến lương thực, đóng góp xây trường học, tặng học bổng, xây dựng cầu đường nông thôn.

Xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đổi thay nhanh chóng khi đẩy mạnh xây dựng và đạt chuẩn NTM

Thực hiện Công văn số 2029/NHNN-TD ngày 9/4/2012 của Thống đốc NHNN về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đã tích cực chỉ đạo hệ thống NH trên địa bàn chủ động về nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng xây dựng NTM, tập trung đầu tư vào làm đường nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn… góp phần thực hiện các tiêu chí: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, môi trường của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Đơn cử như tại tỉnh Sơn La, các NH trên địa bàn cho vay xây dựng NTM đã đạt con số dư nợ hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó gần một nửa số dư nợ trên phục vụ cho nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của DN và người dân. Còn tại Tiền Giang đã có hơn 13.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực này với 258 nghìn hộ và 746 DN được vay vốn.

Theo NHNN Chi nhánh Bình Định, dư nợ cho vay xây dựng NTM trên toàn tỉnh đến ngày 30/6/2015 đạt 7.543 tỷ đồng (tăng 2,58% so với quý IV/2014). Doanh số cho vay trong kỳ phát sinh chủ yếu là phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân địa phương chiếm 63,78% dư nợ xây dựng NTM, cho vay làm đường nông thôn chiếm 0,82%, cho vay xây dựng hệ thống thủy lợi chiếm 0,44%, cho vay xây dựng nhà ở chiếm 2,86%, cho vay hộ nghèo chiếm 8,96%, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 1,83%; cho vay khác chiếm 21,32%...

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào mạnh trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân nhiệt tình tham gia. Bộ mặt nông thôn đã có thay đổi rõ rệt, nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững hơn, hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, thu nhập người dân nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm đầu triển khai. Đã có 889 xã, chiếm gần 10% số xã cả nước và 5 huyện đạt chuẩn NTM.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào

Đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đang được áp dụng mức trần lãi suất cho vay 7%/năm. Thậm chí hiện nay, một số TCTD còn triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp hơn mức trần quy định đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, các TCTD cũng đã và đang rà soát, đánh giá để thực hiện cơ cấu lại nợ các khoản vay cũ nhằm hỗ trợ khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Một số chi nhánh có dư nợ cho vay xây dựng NTM là Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện tốt vai trò chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn (dư nợ đến 30/6/2015 là 4.680 tỷ đồng, chiếm 62,04% tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn). Chi nhánh VBSP tỉnh tranh thủ vốn từ Hội sở chính để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh (dư nợ là 2.058 tỷ đồng, chiếm 27,28% tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn).

Tuy nhiên, theo Chi nhánh NHNN các địa phương, ngoài các thành phố lớn thì nguồn vốn để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho tam nông nói chung và chương trình NTM nói riêng còn hạn chế, huy động vốn tại địa phương thấp. Chương trình cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp đến nay các chi nhánh NHTM đã đảm bảo nguồn vốn, tuy nhiên chưa có khách hàng đến NH để tiếp cận nguồn vốn này.

Còn tại Bắc Kạn, bà Phùng Thị Mỵ, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết thêm, tính đến ngày 30/6/2015, dư nợ cho vay xây dựng NTM trên địa bàn đạt hơn 2.091 tỷ đồng, tăng 123.908 triệu đồng so với 31/12/2014.

Trong thời gian tới, các NH trên địa bàn tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Đẩy mạnh huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Ưu đãi vốn và lãi suất cho vay xây dựng NTM, đặc biệt tại các xã thí điểm, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra.

Đặc biệt, theo NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố, với Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì tới đây, cơ hội cho vay xây dựng NTM mới sẽ tốt hơn.

Chính vì vậy, các chi nhánh NHNN sẽ tham mưu với UBND tỉnh trong triển khai Nghị định 55; chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn trong triển khai thực hiện Nghị định 55 và thông tư hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi; tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản vay xây dựng NTM.

Agribank Bình Định phụng dưỡng 10 Mẹ Việt Nam anh hùng

Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ và hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, vừa qua Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Định phối hợp với chính quyền một số huyện, thị xã đã tổ chức Lễ nhận phụng dưỡng 7 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong đó 4 Mẹ thuộc địa bàn 2 huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn và 3 Mẹ thuộc các huyện, thị xã: Hoài Ân, Tuy Phước, An Nhơn. Mỗi Mẹ VNAH sẽ được Chi nhánh phụng dưỡng với mức 800.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết cổ truyền, ngày Thương binh liệt sĩ... Chi nhánh sẽ tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà các mẹ; đồng thời hỗ trợ chi phí điều trị khi các mẹ ốm đau và hỗ trợ chi phí tang lễ khi các mẹ qua đời…

Cũng theo Chi nhánh Agribank Bình Định, lâu nay chi nhánh đã nhận phụng dưỡng 16 Mẹ VNAH, tuy nhiên, một số mẹ do tuổi cao, sức yếu đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại 3 mẹ (hiện sống tại các huyện, thị xã Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Nhơn). Như vậy, tính từ nay, chi nhánh Agribank Bình Định sẽ nhận phụng dưỡng 10 Mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh. Tin và ảnh Viết Hiền

 
Theo: thoibaonganhang.vn