Nông thôn mới
- Chủ nhật - 21/02/2016 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới đây, ngày 20/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm mô hình nông thôn mới ở Hà Nội. Trước đó, ngày 18/2, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng đã tới thăm huyện nông thôn mới Củ Chi.
Như vậy, cùng một thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán, ở cả 2 đô thị lớn, vấn đề nông nghiệp- nông thôn- nông dân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo.
Trước đó, trong năm 2015, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có những chỉ đạo chiến lược về xây dựng hợp tác xã kiểu mới.
Tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng trước những kết quả mà huyện đạt được trong thời gian qua, biểu dương những nỗ lực của địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, với toàn huyện có 17/22 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã còn lại đạt từ 14-15 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều đạt trên 70%.
Tuy nhiên, bà Ngân cũng đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Phúc Thọ bám sát bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không thỏa mãn với thành tích đạt được. Đạt chuẩn nông thôn mới rất khó nhưng quan trọng hơn là nông thôn mới phải đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tại huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng ghi nhận những thành tựu quan trọng huyện đạt được, tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng nếu cứ tự ru ngủ bằng danh hiệu nông thôn mới thì sẽ hết động lực để phấn đấu. Vì thế, vẫn cần nỗ lực phấn đấu và đặc biệt là đổi mới, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.
Còn nhớ, giữa tháng 6/2015, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển HTX kiểu mới- khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp, cũng không nằm ngoài mục đích xây dựng nông thôn mới, nền nông nghiệp hiện đại, trong đó người nông dân được thụ hưởng thành quả lao động của mình một cách xứng đáng. Luật HTX ra đời năm 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật cũng được ban hành ngày 21/11/2013. Nông nghiệp vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, trước thực tế mới, đòi hỏi mới, nhất là khi đất nước hội nhập sâu- rất cần có những quyết sách mạnh mẽ, phù hợp.
Bên cạnh những thành tựu to lớn của nông nghiệp Việt Nam, thì cũng vẫn còn đó những khó khăn, bất cập. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện nhân thì 4 bất cập vẫn tồn tại kéo dài là: được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra; thiếu vốn; thu nhập của nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ; xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ. Đó chính là những nguyên nhân khiến nền nông nghiệp nước nhà chưa cất cánh, cần phải đổi mới, mà trong đó hạt nhân là xây dựng bằng được HTX kiểu mới.
Trở lại với vấn đề nông thôn mới, Ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491-QĐ-TTg, về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, với 19 tiêu chí cụ thể (với cấp xã), trong đó cũng quy định huyện nông thôn mới (có 75% số xã trong huyện đạt nông thôn mới) và tỉnh nông thôn mới (có 80% số huyện trong tỉnh đạt nông thôn mới). Như vậy, công cuộc xây dựng nông thôn mới được Đảng Nhà nước hết sức quan tâm, coi đó là trụ cột trong chính sách nông nghiệp- nông thôn- nông dân.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thành tích đã đạt được, những “con số đẹp” thì tình hình kinh tế-xã hội khu vực nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại cần nhanh chóng giải quyết. Tới nay, tình trạng thanh niên nông dân rời bỏ làng quê, ly hương lẫn ly nông để ra thành thị tìm kiếm việc làm tuy có giảm bớt nhưng vẫn còn căng thẳng.
Dòng người trẻ bỏ làng, bỏ ruộng khiến sức bật của nông nghiệp yếu đi, bên cạnh đó việc tiếp thu kĩ thuật mới trong nông nghiệp trở nên khó khăn. Khi mà đội ngũ lao động trẻ khỏe, có kiến thức, dám nghĩ dám làm ít cũng có nghĩa là tốc độ phát triển bị kéo lui. Cũng không thể giữ chân người trẻ ở lại với làng khi mà những thửa ruộng, những mảnh vườn không sinh lợi, không hấp dẫn.
Ngay cả các doanh nghiệp, cho dù hầu hết các doanh nhân thành đạt đều xuất thân từ nông dân, thì cũng không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vào khu vực nông thôn. Một nền nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lãi suất thấp, quay vòng vốn chậm, khả năng sinh lợi ít…, đã khiến người ta đắn đo, cân nhắc. Những tấm gương thanh niên nông dân làm giàu là rất đáng trân trọng,đáng quý, nhưng tiếc thay lại quá ít, không đủ sức lan tỏa.
Xây dựng nông thôn mới là tạo dựng cuộc sống no đủ và khá giả cho người nông dân; là làm cho tình làng nghĩa xóm đầy đặn, không khí làng quê ấm áp; người già được chăm sóc sức khỏe, con trẻ được học hành trong môi trường tốt. Nông thôn mới cũng còn là nơi sản xuất quy mô lớn, ứng dụng tốt những thành tựu khoa học- kĩ thuật, năng suất lao động cao, dịch vụ, thương mại ngày một phát triển.
Muốn thế, không thể không tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trong khi các doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài) vì những lý do rất cụ thể- chủ yếu là lợi nhuận thấp và tính rủi ro cao- ít đầu tư vào nông nghiệp thì rất cần nguồn lực dồi dào từ Chính phủ.
Nguồn lực ở đây không chỉ là dòng vốn, mà còn là nguồn lực con người: Những kĩ sư nông nghiệp, y bác sĩ, thầy cô giáo… Cùng đó, việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sẽ tạo nên một nền nông nghiệp mạnh, bền vững.
Để chuyển đổi nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tốt đẹp, cần nhiều thời gian. Nếu tính từ năm 2009 khi Bộ tiêu chí nông thôn mới ban hành; từ năm 2012 Luật HTX ra đời, thời gian không thật dài nhưng cũng không phải là quá ngắn. Nhưng, tốc độ thay đổi ở nông thôn chưa mạnh. Khoảng cách thu nhập giữa người nông dân và một số ngành nghề khác trong xã hội chưa rút ngắn, có nơi còn giãn rộng. Chính vì thế, việc đầu tư cho khu vực này trong thời gian tới không thể nhỏ giọt, không thể chần chừ.
Là một quốc gia tự hào về nền nông nghiệp, không lý gì thịt gà Mỹ, thịt bò Úc lại rẻ hơn giá trong nước. Không lý gì cá tầm, ếch…, lại “chảy” từ bên ngoài vào. Và, cũng không lý gì khi chúng ta lại tự đầu độc mình với thịt bẩn, rau bẩn. Đó là những điều không thể chấp nhận khi đất nước xây dựng nông thôn mới, khi sản phẩm nông nghiệp nước nhà phải cạnh tranh với thị trường không chỉ ở khu vực, mà còn mang tính toàn cầu.
Nam Việt
theo Đại Đoàn Kết