Nông thôn mới - Đừng nhìn kiểu cũ

Mới đây, tôi có dịp quay trở lại TX Quảng Yên. Con đường đất ngập lụt, nhầy nhụa ngày nào giờ đã được thay thế bằng con đường bê tông dài hàng chục km kéo suốt từ xã Cẩm La đến Liên Vị. Còn những chiếc cầu gỗ ọp ẹp cũng được thay bằng cây cầu bê tông chắc chắn... Bây giờ, ngay cả sau cơn bão số 2 xảy ra vào cuối tháng 6 vừa qua, con đường vẫn khô ráo chứ không ngập lụt như trước.

Ấy vậy mà thời điểm thi công con đường này có nhiều anh còn hậm hực bảo: “Đường nâng cao quá, đáy rãnh thoát nước còn cao hơn nền nhà dân. Vậy thì mùa mưa chúng tôi thoát nước làm sao được”. Lại nghe nói có người còn to tiếng với cánh thợ làm đường; rồi có người làm đơn kêu lên cả xã, huyện.

Đến Ban Quản lý dự án công trình huyện để tìm hiểu thực tế, lãnh đạo Ban Quản lý dự án cho biết: “Dọc trục con đường này có nhiều xã mặt bằng thấp hơn mực nước biển, nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước vẫn tồn tại nền nhà rất thấp. Con đường cũ hễ cứ mưa là ngập lụt. Nếu chúng tôi làm đường, rãnh thoát nước mới mà theo ý chủ nhân các ngôi nhà làm từ những năm 70 của thế kỷ trước thì gọi là xây dựng nông thôn cũ chứ chẳng phải là mới”. Bây giờ đã có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng dọc tuyến đường này, nền nhà cao hơn trước, người không có điều kiện xây nhà mới thì cũng tự nâng nền nhà lên cao hơn cho phù hợp theo quy hoạch chung.

Vẫn chuyện “Nông thôn mới, cách nhìn cũ”, ở xã Bản Sen (Vân Đồn) khi chương trình xây dựng nông thôn mới được đưa vào, lãnh đạo xã quyết định di chuyển trạm y tế, UBND xã từ thôn Nà Sắn sang thôn Nà Na (địa điểm mới cách địa điểm cũ khoảng 3km), không ít người kêu ca, phàn nàn. Sở dĩ là vì thôn Nà Sắn được coi là trung tâm xã, bến tàu, trạm y tế, trụ sở làm việc của UBND xã ở gần nhau, người dân trong xã, anh nào có việc rời đảo về huyện họp hành, thăm người nhà thì cứ “nhất cử lưỡng tiện”. Nào là vào UBND xã đóng cái dấu, qua trạm y tế xã xin viên thuốc nhức đầu, sổ mũi…, rồi ra bến, lên tàu về huyện thật tiện. Bây giờ mọi sinh hoạt cũ tự dưng phải thay đổi, không “36 cái tiện thể” như trước kia nữa. Có bác kêu ở xã thấy chưa đủ, đưa cả ý kiến đó lên HĐND huyện.

Gần đây, tôi có dịp quay lại Bản Sen, khi mà ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt về xây dựng nông thôn mới. Gặp lại mấy bác “hay kêu ca phàn nàn trước đây”, các bác cười vui vẻ lắm. Có bác còn quên hẳn chuyện trước đây mình đã từng nói gì, vì nhắc lại chuyện cũ thấy mình “quê một cục”. Chẳng là xã Bản Sen nằm trong vùng phát triển du lịch của huyện Vân Đồn. Trên địa bàn xã có hang Nhà Trò được coi là hang động đẹp nhất Vịnh Bái Tử Long. Bản Sen có chè Vân, cam Sen có hương vị khá độc đáo đang nằm trong kế hoạch phục hồi và phát triển của huyện, tỉnh. Bản Sen lại nằm gần các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn (Vân Đồn), ở các xã này có bãi biển rất đẹp nên khách du lịch sẽ đi theo tour khép kín tắm biển, thăm hang động thật tiện lợi. Khi du lịch phát triển sẽ có nhiều khách thập phương đến Bản Sen, bến tàu của xã sẽ rất tấp nập ồn ào chứ không vắng vẻ như bây giờ. Nếu  trạm y tế, UBND xã mà nằm ở địa điểm thôn Nà Sắn như trước đây, ngay cạnh bến tàu thì suốt ngày ầm ĩ ai mà chịu được, chẳng nhẽ đến lúc ấy mới thay đổi chuyển chỗ khác hay sao(?!).

Anh Vũ
Nguồn:baoquangninh.com.vn