Nông thôn mới Hà Nội: Đang chuyển mình rõ rệt

Nông thôn mới Hà Nội: Đang chuyển mình rõ rệt
Sau gần 2 năm triển khai Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 – 2015”, bức tranh nông thôn Thủ đô đã có nhiều đổi mới. Theo ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CT/TU thì đây là thành quả của sự quyết tâm, cố gắng của mỗi chính quyền cơ sở trong XDNTM.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, đa phần các ý kiến đều nhận định, XDNTM không còn là phong trào mà đã trở thành nhiệm vụ chính trị chủ yếu của Đảng bộ thành phố, do đó các cơ sở Đảng đã vào cuộc quyết liệt, trở thành hạt nhân lãnh đạo XDNTM ở mỗi địa phương.

 

Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CT/TU thì đây là thành quả của sự quyết tâm, cố gắng của mỗi chính quyền cơ sở trong XDNTM.

 

So với trước đây, khi chỉ một bộ phận cán bộ hiểu về Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM thì đến nay, đông đảo quần chúng nhân dân đã nắm rõ về chương trình quan trọng này. Phiếu thăm dò 2.000 nông dân trên địa bàn cho thấy, bà con đã thực sự vào cuộc với 98% số người được hỏi đều trả lời có biết đến chương trình XDNTM, trong đó có tới 89,1% nắm rất rõ 19 tiêu chí NTM.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các đoàn thể ở nhiều huyện, thị xã trên địa bàn đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Chương trình XDNTM nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân như huyện Mê Linh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thanh Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ... Một số xã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng quê hương như xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), đã huy động được trên 71 tỷ đồng (đạt 148%), hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường, hàng nghìn ngày công xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; hay nhân dân xã Mai Đình (Sóc Sơn) đã đóng góp hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường; nhân dân xã Phùng Xá (Mỹ Đức) ngoài đóng góp gần 5 tỷ đồng, bà con còn hiến 3.660m2 đất để xây kè sông Đáy và mở rộng đường giao thông, mương máng nội đồng; nhân dân xã Đại Áng (Thanh Trì) đóng góp trên 6 tỷ đồng và 727m2 đất cùng công sức xây dựng các công trình phúc lợi...

Đến nay toàn thành phố đã có 38/379 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 – 18 tiêu chí NTM; 76/379 xã đạt và cơ bản đạt 10 – 13 tiêu chí; 252 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong đó, một số xã điểm như Thụy Hương (Chương Mỹ) đạt 18/19 tiêu chí; Song Phượng (Đan Phượng) đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí; Mai Đình (Sóc Sơn) 17/19 tiêu chí; Đại Áng (Thanh Trì) 15/19 tiêu chí…

Một trong những nhiệm vụ khó khăn, song cũng là tiền đề XDNTM ở Thủ đô chính là phải lập xong quy hoạch NTM, theo đó, đến nay toàn thành phố đã có 284/401 xã có quyết định phê duyệt quy hoạch NTM; 27 xã đang tiến hành lập quy hoạch, trong đó có 5 huyện là Sơn Tây, Sóc Sơn, Hoài Đức, Từ Liên, Mỹ Đức đã phê duyệt quy hoạch NTM của 10% số xã. Đông Anh cũng đạt 95,65%, tức 22/23 xã, Phúc Thọ 21/22 xã, Gia Lâm 18/20 xã…

 

Đường làng, ngõ xóm khang trang tại xã Đa Tốn, xã điểm NTM của huyện Gia Lâm.

 

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc XDNTM, đồng chí Nguyễn Công Soái đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động để người dân hiểu và chủ động vào cuộc. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các xã cần xây dựng đội tuyên truyền viên gồm cán bộ, đảng viên am hiểu rõ về chương trình XDNTM, có kinh nghiệm tuyên truyền để đưa nội dung XDNTM đến với từng người dân, dòng tộc, gia đình, doanh nghiệp..., nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Đồng thời, các sở ban ngành của thành phố cần dành thời gian về các thôn xã để nghe nhân dân hiến kế, cũng như nắm bắt kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó tham mưu cho thành phố tháo gỡ, giải quyết.

Đặc biệt, đồng chí Soái lưu ý Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết của HĐND về những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2016. “Nghị quyết đã thông qua 3 tháng nay, nhưng việc triển khai quá chậm. Các sở, ngành phải đến với bà con để xây dựng cơ chế chính sách sao cho vừa đơn giản, vừa phù hợp với người dân”, ông Soái nhấn mạnh.

TP. Hà Nội phấn đấu trong quý IV sẽ hoàn thành phê duyệt quy hoạch XDNTM của 100% xã (401 xã); tiếp tục duy trì và phát triển những tiêu chí đã hoàn thành; tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để hoàn thành các tiêu chí tại 18 xã điểm còn lại của thành phố và các huyện trong năm 2012.

Thành Vinh

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn