Nông thôn mới: Nặng lòng với những con đường nông thôn

Nông thôn mới: Nặng lòng với những con đường nông thôn
Ông Nguyễn Ngọc Anh ở thôn Bình Sơn - xã Bình Tân - huyện Bắc Bình đã tranh thủ dự án của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và vận động nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn.

Chân dung trưởng thôn

Ở cái tuổi 60 trông ông Nguyễn Ngọc Anh còn khá trẻ. Khi tôi nói ý đó ra, ông cười bảo: “Trẻ thì không nhưng tôi còn khỏe lắm. Nhiều người mới 40 tuổi vẫn không dám đi xe máy từ Bắc Bình vào Sài Gòn, hoặc vào tới Thủ Dầu Một, còn tôi vẫn cứ ra vô thường xuyên!”. Ông có vẻ dễ gần qua phong cách trò chuyện cởi mở.
Ảnh minh họa
 
Ông vốn là nhà giáo. Do cuộc mưu sinh, gia đình ông từ Nghĩa Bình chuyển vào Bình Tân. Tại đây, ông tiếp tục hợp đồng dạy thêm  một thời gian nữa rồi nghỉ.
Giã từ nghề giáo, ông là cán bộ văn phòng cho UBND xã Bình Tân. Trong thời gian này, ông được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân xã suốt hai nhiệm kỳ. Từ tháng 8/2010, ông được dân bầu làm trưởng thôn.

Làm đường
Là người có thâm niên giảng dạy, có kinh nghiệm  công tác, lại là thôn trưởng, ông được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới mời làm cộng tác viên. Đây là tổ chức phi Chính phủ. Cùng với chính quyền huyện Bắc Bình, tổ chức này hỗ trợ cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Nhiều năm sống ở địa phương ông cứ đau đáu về những con đường toàn cát lún, hay lở lói làm cản trở việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong thôn. Biết là vậy nhưng “lực bất tòng tâm”, đành chịu. Khi công tác với Tầm nhìn Thế giới ông nhận ra đây là cơ hội để có thể làm một điều gì đó. Thế rồi ông làm dự án đề nghị Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ kinh phí làm con đường từ cầu ông Dõng đi vào Bàu Lớn. Con đường thứ hai đi từ nhà ông Nguyễn Chót tới nhà ông Trần Kim. Con đường từ cầu Ông Dõng đi vô Bàu Lớn dài gần 2.000m, rộng 6m. Đoạn từ quốc lộ 1A vào có 500m được cấp phối sỏi, còn lại là cát lún. Phương tiện qua lại trên con đường này chỉ có máy cày, xe bò vận chuyển hàng hóa còn các loại xe hai bánh đành chịu. Con đường dài 1.250m (đã trừ 500m được cấp phối trước đó) nhưng Tổ chức Tầm nhìn Thế giới chỉ duyệt đầu tư 500m với số tiền là 30 triệu đồng, số còn lại do dân tự đóng góp. “Khi nghe có dự án  làm đường dân trong khu vực mừng lắm, nhưng khi tôi họp dân để phổ biến kế hoạch, trong đó có sự đóng góp của dân thì chỉ có một nửa số người dự họp nhất trí. Bí quá, tôi báo lại với Đảng ủy xã và xin ý kiến. Cuộc họp thứ hai chính Bí thư Đảng ủy chủ trì, kiên trì vận động, thuyết phục mới thành công” - ông Ánh nói.

Chung tay
Theo đó, mỗi hộ trong khu vực đóng góp 500.000  đồng, người khó khăn thì đóng góp 200.000, 300.000 đồng và ngày công. Cũng có người tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng như ông Huỳnh Văn Đen. Không kể ngày công dân đóng góp, vốn đối ứng của dân là 12,1 triệu đồng. Con đường hoàn thành với khối lượng là 606 khối sỏi, độ dày sỏi là 10 phân. Trong 4 ngày thi công, trưởng thôn, và ông Mai Xuân Tưởng là Tổ trưởng Tổ tự quản, thay phiên  giám sát thi công.

Con đường từ nhà ông Nguyễn Chót tới nhà ông Trần Kim dài chỉ 107m nhưng lở lói, có nơi sâu cả mét nên không có phương tiện nào đi lại được. Chính vì vậy, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đầu tư 20 triệu đồng và số còn lại do dân tự nguyện đóng góp. Sự vận động dân khu vực này không khó vì từ nhiều năm con đường này gần như bỏ hoang. Con đường từ cầu Ông Dõng đi Bàu Lớn và con đường này cùng thi công một ngày vào đầu năm 2012.

Bằng tâm huyết của một trưởng thôn, ông Nguyễn Ngọc Anh  làm được điều cho dân cùng góp sức xây dựng nông thôn mới.
MINH CHÂU
Theo baobinhthuan.com.vn