Nông thôn mới Sống vì cộng đồng

Nông thôn mới Sống vì cộng đồng
Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM, bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Tam Phúc (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), ví đó là một cuộc chạy marathon.
Sống vì cộng đồng
Đường làng thôn Xuôi Phù Lập được nâng cấp, sạch sẽ

Ở đó ẩn chứa những chướng ngại vật đầy thách thức, đòi hỏi vừa phải có nội lực tốt, vừa có trí tuệ sáng suốt và được hỗ trợ, tiếp sức từ nhiều phía thì mới về đích được.

Theo quan điểm của bà Huệ, một con người muốn khoẻ mạnh thì phải được sống trong môi trường trong lành, vô hại. Nhưng, nghĩ về hình ảnh thôn, xóm ở xã mình mà thấy buồn. Cả xã có hơn 10 km rãnh thoát nước thì đa số đều không có nắp đậy.

Nước bẩn từ bể phốt, chuồng trại chăn nuôi, rồi thì chuột chết, lá rụng tống tất xuống đó, có lúc còn nhìn thấy cả dòi bọ. Nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh chỉ đáp ứng được 40%, xã phải chỉ đạo người dân các thôn xóm đóng góp 60% kinh phí còn lại để đổ 100% nắp đậy. Thấy được cái lợi lâu dài, xóm nào cũng làm triệt để.

Để thu gom rác thải dân sinh hằng ngày, HTX vệ sinh môi trường được thành lập và hoạt động rất tốt. Nhân dân tập trung quét dọn đường làng vào ngày mùng 10 hằng tháng.

Bà Huệ bảo: “Để có được thói quen này, lúc đầu công tác tuyên truyền rất khó khăn vì trước đây đường trục làng không có ai quét cả, ngay đến phân trâu rơi vãi ngoài đường người ta đi qua cũng chẳng ai quan tâm. Trước mắt, chúng tôi vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ,… vận động người thân, hàng xóm làm trước; sau vài tháng đã có những biến chuyển. Thứ hai là gắn trách nhiệm vào đội liên gia tự quản của từng thôn. Ông phó thôn phụ trách mảng vệ sinh môi trường, xã có cơ chế hỗ trợ 200.000 đồng để thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm chỉnh”.

Tiêu chí khiến bà Huệ hài lòng nhất là thiết chế văn hoá cơ sở đã thực sự phát triển. Nữ chủ tịch xã tự hào rằng, tất cả 6 nhà văn hoá thôn đều được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá, trong đó nhân dân có vai trò chủ đạo. Nguồn vốn của Nhà nước chỉ chiếm tối đa 30%. Để cho dân tự làm thì sức đóng góp của nhân dân lớn hơn, cái thứ hai nữa là giảm chi phí.

Từ khi nhà văn hoá được xây dựng, phong trào văn hoá văn nghệ sôi động hẳn. Thôn nào cũng hình thành câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao. “Hiếm xã nào có tới 5 đội bóng chuyền như Tam Phúc. Vừa rồi, chúng tôi tổ chức hẳn một buổi giao lưu văn hoá giữa các thôn tại sân khấu nổi ngoài trời rất đặc sắc do con em địa phương quyên góp tài trợ 40 triệu đồng”, bà Huệ hồ hởi.

Cuối giờ chiều, chúng tôi đến thăm nhà văn hoá mới nhất của Tam Phúc là Xuôi Phù Lập. Hàng chục thanh niên, học sinh đang mải mê đánh bóng chuyền. Phía trong hội trường, chị em đang tập múa quạt để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết thôn.

Bà Nguyễn Thị Tuý, Trưởng thôn Xuôi Phù Lập, giới thiệu: "Chỉ có bây nhiêu người chưa đủ đâu. Nếu anh chờ được đến tối thì sẽ có các cụ ông ngồi đánh cờ ngoài ghế đá, còn các cụ bà ngồi thiền từ 19 giờ đến 22h30 mới tan".

Để có được nhà văn hoá này, bà con trong thôn đã phải đổ không ít mồ hôi, công sức và tiền bạc. Theo bà trưởng thôn, ngày trước khu đất xây nhà văn hoá là một cái ao do UBND xã cho tư nhân đấu thầu. Để tôn nền xây dựng, nhân dân phải huy động xe cải tiến đổ hàng trăm khối đất, chặt cả bụi tre để đóng cọc.

07-00-53_nh-1
Chiều chiều, thanh niên thôn Xuôi Phù Lập tập trung tại sân nhà văn hoá chơi bóng chuyền

Sau 3 năm xây dựng NTM, người dân xã Tam Phúc đã hiến trên 3.000 m2 đất để xây dựng công trình công cộng. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm. Đến nay, Tam Phúc đã đạt 19 tiêu chí NTM.

Lúc đầu, bà Huệ bảo sẽ đầu tư hỗ trợ thôn 150 triệu đồng nhưng dặn kỹ là không được nói ra để vận động dân trước. Thôn thành lập 3 ban gồm: Ban chỉ đạo, Ban vận động và Ban xây dựng. Sau đó họp tất cả đại diện các đoàn thể và Tiểu ban mặt trận để vận động từng hộ gia đình. Mỗi người dân góp 100.000 đồng, riêng cán bộ, đảng viên, đoàn viên thành niên sẽ góp thêm ít nhất 50.000 đồng để làm gương.

Ngoài ra, bà Tuyến còn tìm cách vận động các DN hỗ trợ. “Ông Hộ ở tập đoàn Phước Sơn ủng 30 triệu đồng, ông Nguyễn Xuân Thuyết ủng hộ 10 triệu đồng, ông Hoa ủng hộ 10 triệu đồng... Đối với con em làm ăn xa quê hương trong miền Nam, tôi tự tay viết thư ngỏ để vận động quyên góp, khi có người về thăm quê thì gửi vào đấy. Có người tặng vài triệu đồng, có người vài trăm nghìn đồng”, bà Tuyến cho hay.

Ở huyện Phù Yên (Sơn La) và TP. Việt Trì (Phú Thọ) có nhiều người dân trong thôn Xuôi Phù Lập lên buôn bán, kinh doanh. Bà Tuý cùng ông Phó Bí thư Chi bộ thôn tự bỏ tiền để bắt xe lên để vận động từng người. Riêng chuyến đi Sơn La, người dân đã ủng hộ 11 triệu đồng. Tổng số tiền vận động nhân dân, con em xa quê và DN được 250 triệu đồng. Thôn tổ chức đấu thầu xây dựng nhà văn hoá, ai trả rẻ nhất thì Ban xây dựng gật đầu.

Tại khu xóm, thôn Xuôi Phù Lập tổ chức một tổ liên gia từ 20 - 25 hộ gia đình, nếu không có việc gì đột xuất thì mỗi tháng họp một lần để bàn việc giữ gìn trật tự chung. Thông qua tổ liên gia, thôn quy định mỗi ngõ phải có hệ thống bóng điện thắp sáng. Ngõ dài thì 10 bóng, ngõ ngắn 6 - 7 bóng tuỳ ý. Tiền điện bao nhiêu bổ đều đầu dân để thu.

Bên cạnh đó còn xây dựng quỹ phát triển thôn, khi có người ốm đau đi viện về hoặc có người qua đời thì tổ chức thăm và chia buồn với gia đình. Gia đình có người qua đời khi lên xã nhận giấy báo tử phải cầm theo băng rôn ghi dòng chữ: “Không cỗ bàn đình đám, không đón khách dọc đường” và treo trong nhà. Thấy thế, dân làng đến viếng xong là về, chỉ có nội tộc ở lại ăn cơm.

“Tôi thấy chỉ mấy năm xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn đẹp quá, người dân dần biết cách sống vì người khác, vì cộng đồng”, anh Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở thôn Xuôi Phù Lập chia sẻ.

Minh Phúc - Lê Tuần
Nguồn: nongnghiep.vn