Nông thôn mới cần phát triển ở tầm mức cao
- Thứ bảy - 10/09/2016 10:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là điều kiện tiên quyết
Để góp phần khắc phục một cách cơ bản tình trạng trên, đưa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống, việc cần làm ngay là xây dựng các mô hình NTM đáp ứng yêu cầu phát huy nội lực của nông dân, nông nghiệp và nông thôn, đủ điều kiện hội nhập nền kinh tế thế giới. Cụ thể là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên môn hóa nhằm tăng giá trị sản sản xuất các sản phẩm hàng hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, vùng, miền. Đây chính là điều kiện để tái đầu tư, áp dụng các phương pháp sản xuất, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất nông nghiệp; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, bảo đảm hiệu quả bền vững và an ninh lương thực quốc gia.
Sự thay đổi của xã Nông thôn mới Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi (Ảnh: Ý Thu)
Theo một báo cáo tại Nghệ An, với mục tiêu tăng thu nhập cho người dân, giai đoạn 2011 – 2015 toàn tỉnh đã xây dựng 4.529 mô hình phát triển sản xuất và 455 mô hình góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Thạch Giám (huyện Tương Dương) là xã về đích NTM đầu tiên của 3 huyện nghèo của tỉnh, theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, để có nguồn thu nhập ổn định cho người dân, những năm qua, Thạch Giám được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trường Đại học Vinh hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà còn thực hiện mô hình trồng rau an toàn; với diện tích trên 4,7 ha tại bản Phòng và bản Nhẫn. Mặc dù còn khó khăn về nguồn nước tưới, nhưng qua đánh giá cho thấy, 1 ha rau an toàn, bà con ở đây thu nhập trên 15 triệu đồng/vụ. Tại bản Nhẫn, quanh năm bà con sản xuất các loại rau, củ quả hàng hóa, cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, vùng miền núi còn được đầu tư từ các chương trình, dự án của nhà nước, thực hiện nhiều mô hình sản xuất, khai thác tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân như: trồng chuối tiêu hồng, rau an toàn ở Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông... chăn nuôi bò ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương...Các mô hình đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người của Nghệ An hơn 19,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay giảm chỉ còn 7,5%.
Phát huy những kết quả trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, những tháng đầu năm 2016, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Là một huyện miền núi, Chi Lăng được thiên nhiên ưu ái với khí hậu thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho cây na sinh trưởng và phát triển. Đây là cây trồng thế mạnh và là cây hàng hóa mũi nhọn, xóa đói giảm nghèo của người dân. Cây na đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công bố quyết định và trao nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2011 và được trồng chủ yếu ở 5 xã và thị trấn gồm: Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện, một số vùng, bà con nông dân đã chủ động chuyển dịch bổ sung thử nghiệm một số cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế khá cao mô hình trồng ớt xen canh trên đất lúa tại xã Quang Lang… Để triển khai mô hình này, UBND xã Quang Lang đã giao cho Hội Phụ nữ xã khoảng 30 triệu đồng, triển khai tập huấn, giúp hội viên nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt. Hiện, trên địa bàn xã có 3 chi hội triển khai mô hình trồng ớt xen kẽ đất lúa với diện tích 75 sào, chia đều cho 26 hộ. Thu nhập từ trồng ớt khá cao nên càng thúc đẩy bà con nông dân trong vùng chuyển đổi từ hai vụ lúa, chuyển sang 1 vụ lúa, 1 vụ ớt. Có thể nói việc tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, và đa dạng hóa các nguồn vốn cùng với việc đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghe đã tạo tiền đề cho phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn; nâng cao dân trí và có chính sách tín dụng cho người nghèo từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo và nâng cao mức sống một cách bền vững…
Bên cạnh đó, việc phục hồi tài nguyên rừng và tăng độ màu mỡ của đất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong hệ sinh thái nông nghiệp, gìn giữ cải thiện vệ sinh môi trường cũng là yếu tố quan trọng trong việc giữ vững NTM. Phát triển thị trường nông thôn phải đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, nông thôn và phát triển tiềm năng của từng vùng, từng sản phẩm, từng ngành nghề. Mở rộng nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, hoa quả… đảm bảo yêu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ứng dụng KHKT và dạy nghề cho lao động nông thôn tránh tình trạng ở quê có việc mà kéo nhau lên thành thị mưu sinh.
Từ những ngày đầu bắt tay xây dựng NTM đến nay, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được 784 mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Hiện Yên Định có tới 105 mô hình quy mô trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Cụ thể, mô hình nuôi gà ri thả vườn của anh Lê Văn Nhất ở thôn Tam Đồng, xã Định Tiến được đánh giá là hiệu quả nhất với cách làm khá độc đáo. Thay vì xây tường kín, anh Nhất chỉ vây bằng lưới B40 để đảm bảo độ thông thoáng và ánh sáng. Để hạn chế dịch bệnh, giữa mỗi trại là các khu đất trống rộng lớn, rải hỗn hợp cát biển, trấu, chế phẩm sinh học. Đặc biệt, nguồn thức ăn cho gà là hoàn toàn từ những thực phẩm tự nhiên anh mua về ghiền và ép làm viên nên đảm bảo thịt gà đúng chuẩn. Theo anh Nhất, yếu tố bền vững ở đây được gây dựng chính là uy tín, không chạy theo lợi nhuận mà cho gà ăn những chất kích thích tăng trọng, bột công nghiệp. Với việc đi đầu trong tự sản xuất thức ăn chất lượng cho gà, anh Nhất đã tận dụng được những phụ phẩm, nông sản ngay tại địa phương với giá rẻ, không phụ thuộc vào các đại lý. 10.000 con gà mỗi lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa gà, theo hạch toán, sau mỗi lứa gà, gia đình anh Nhất có doanh thu trung bình khoảng 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận trên dưới 10% doanh thu, giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương.
Xây dựng thương hiệu nông sản tạo nội lực nâng tầm NTM
Xây dựng NTM chính là tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhằm làm cho bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống người nông dân và cư dân sống ở nông thôn nhanh chóng được cải thiện, đòi hỏi phải tập trung và có sự quyết tâm, đồng lòng của các cơ quan chức năng để có cách làm tốt. Chỉ có làm được như vậy thì các tiêu chí NTM mới được thực hiện nhanh và giữ vững ưu điểm.
Xây dựng NTM là mục tiêu của người dân và nhà nước
Vì vậy trong quá trình xây dựng NTM cần đẩy mạnh chương trình đầu tư và phát triển cở sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản miễn thuế nông nghiệp và cho kinh tế trang trại phát triển. Khuyến khích các hội viên, nông dân tham gia tổ chức liên kết HTX kiểu mới trên cơ sở tự nguyện, các HTX có nhiệm vụ cung cấp các yếu tố đầu vào và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cần chú ý hơn đến thương hiệu nông sản xuất khẩu như xoài cát chu Đồng Tháp; vải thiều Bắc Giang; nước dừa đóng chai Bến Tre… được xuất khẩu ra thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… tạo điều kiện cho hội nhập và phát triển.
Thực tế ở Hà Nội cho thấy, các địa phương đã phát huy tốt nội lực, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng dân cư để hoàn thành từng tiêu chí xây dựng NTM. Với phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cán bộ và sự đồng lòng của người dân, số xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 đạt khoảng 48%-50%, vượt mục tiêu thành phố đề ra khoảng 10% và con số này có thể vượt xa, khoảng 80% hoặc 100% vào năm 2020. Tuy nhiên, những thành tích chỉ đang ở số lượng, chất lượng xây dựng NTM ở Hà Nội phải làm sao để trở thành mẫu hình cho cả nước là điều bức thiết.
Thế nên, để giải quyết tình trạng trên, việc sản xuất nông nghiệp Hà Nội đang mở ra những triển vọng mới, các tiêu chí trong xây dựng NTM phải vươn lên tầm cao, tức là hơn mặt bằng của cả nước với những đột phá mới. Hà Nội phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp cho riêng mình. Cụ thể, sữa Ba Vì đã tạo được tiếng vang, hiện sản phẩm sữa Ba Vì có mặt trên thị trường ở nhiều địa phương, thậm chí, khách du lịch họ cũng biết đến thương hiệu sản phẩm sữa Ba Vì. Cách lựa chọn để xây dựng một số thương hiệu sản phẩm rất quan trọng, kết hợp các yếu tố này, cộng với sự chung sức xây dựng NTM của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đưa NTM của Hà Nội xếp ở tầng trên, chứ không phải những gì đề ra trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
Việc xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ cấp bách, lâu dài đòi hỏi sự tham gia của cả hệ chống chính trị và của toàn dân, để công tác xây dựng NTM đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao. Vì vậy có thể nói, hiện nay một số mô hình phát triển NTM đang thực hiện ở các địa phương đã vận dụng một cách có chọn lọc các phương pháp, kế thừa bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới nhằm huy động sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở địa phương thông qua một số mô hình phát triển NTM vẫn chưa được cụ thể hóa một cách chi tiết, chưa mô phỏng nó thành phương pháp để thực hiện có tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế.
Theo langmoi.vn
http://langmoi.vn/1090-nong-thon-moi-can-phat-trien-o-tam-muc-cao