Nông thôn mới, cần tư duy mới!

Nông thôn mới, cần tư duy mới!
Chiến lược xây dựng nông thôn mới đang làm đổi thay bộ mặt các vùng quê. Nhưng nhìn thẳng thực trạng nhiều vùng quê, không thể không trăn trở.

Thế nào là xây dựng nông thôn mới hiện đại? Là đường sá khang trang; là trụ sở huyện, xã hoành tráng; là trường học, nhà văn hóa, quảng trường; là bệnh viện huyện, trạm y tế xã uy nghi; là chợ to, trung tâm thương mại lớn chăng?

Nhìn về các vùng quê, nhà nào cũng xây cao 3 - 4 - 5 tầng chả kém gì phố thị. Ở các miền quê heo hút khi ánh sáng điện kéo về là karaoke, là những quán “nét”, là cả những “sờ pa” làm đẹp mọc lên nhan nhản.

Nhưng nhìn sâu vào trong cái bề ngoài ấy, là cả những nỗi niềm. Không ít vùng quê sau đạt “chuẩn nông thôn mới” mang theo gánh nặng nợ nần. Nhiều miền quê chỉ còn những ông già, bà cả, và lũ trẻ giữ nhà cho người trẻ đua nhau về các thành phố lớn mưu sinh. Dân quê như nhàn tản vì việc làm chẳng có, do đất đai, ruộng đồng đã được quy hoạch mở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn treo chờ quá nhiều kia. Họ buộc phải lựa chọn ở lại quê nghèo, hay cố “nhoai” ra phố thị? Ai muốn ly hương, ai muốn xa nhà? Thực trạng thành thị tắc nghẽn cũng là từ chuyện người quê tràn về phố quá đông.

Vậy thì chiến lược quốc gia xây dựng nông thôn mới phía trước thế nào đây?


Nguồn: ITN

Nhìn về 19 tiêu chí trong chuẩn nông thôn mới, không chỉ là xây trụ sở, mở chợ, làm đường, trường… mà phải đặt lên trên hết tiêu chí người quê phải sống khỏe ngay trên đất quê!

Dù ngân sách quốc gia chưa dư dả, nhưng mới đây Chính phủ vẫn quyết định phê duyệt tiếp tục chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 với mục tiêu: Đến năm 2020 cả nước phải có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khuyến khích mỗi tỉnh phải có một huyện chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí, không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.

Chính phủ quyết định đầu tư tới hơn 193 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách trung ương, địa phương và thu hút các nguồn lực từ xã hội hóa. Quyết tâm đổi thay các vùng quê rất trúng lòng dân! Vấn đề là sử dụng phân bổ nguồn vốn lớn này thế nào cho hiệu quả.

Đã có nơi trụ sở xã xây to, quảng trường huyện làm lớn, nhưng các thôn ấp trường học còn thiếu. Đã có nơi chợ xây hoành tráng, bỏ hoang không có người họp, nhưng vì tiêu chí nông thôn mới phải có chợ. Cũng không thiếu nhà văn hóa xã, thôn xây dựng cho đủ, nhưng mấy khi họp hành tụ hội. Đến cả nhà thư viện xây hoành tráng, nhưng trong ruột có nơi cũng chỉ sơ sài vài tờ báo và ít sách cũ mèm…

Mới thấy xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất. Các tiêu chí cần điều chỉnh lại cho hợp với từng vùng quê. Bệnh thành tích, bệnh phô trương, thích hoành tráng cần chặn lại. Không thể để diễn cảnh sau khi đạt chuẩn nông thôn mới là thành những huyện, xã nợ nần chất chồng. Không thể để tình trạng bổ đầu dân từ trẻ ẵm ngửa đến các cụ già tuổi 70 - 80 gánh đủ các thứ đóng góp mà “tục” thôn, “lệ” xã tự đặt ra.

 Nông thôn mới là phải xóa nhanh cái nghèo, là không làm cho giàu - nghèo quá cách xa nhau. Rõ ràng phải thay đổi cả tư duy và cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững. Một đất nước mà thiên tai chả năm nào không đến. Chưa ngơi ngập mặn tràn lan ĐBSCL, hạn cháy đất Tây Nguyên, Trung Bộ, giờ lại bão gió, lũ quét, mưa nguồn, lở đất, sạt nhà các tỉnh miền núi Tây Bắc. Ai hay bao hộ nhà nông vừa thoát nghèo, giờ như nghèo lại. Cái cần là tín dụng cho nhà nông, các ngân hàng cũng nên “cởi trói” đừng quá chặt tay làm khó.

Hơn 193 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới đầu tư cho nông thôn mới là không nhỏ. Vấn đề là sử dụng, phân bổ nguồn lực này sao cho hiệu quả. Vấn đề là làm sao không bị lãng phí,  không để xà xẻo vào mới là đáng quan tâm? Quan trọng hơn nữa là phải đề phòng “lợi ích nhóm” của không ít cán bộ còn giữ tâm lý “có đầu tư là có phần” làm chệch mục tiêu tốt đẹp đề ra! 

Theo: Đăng Quang/daibieunhandan.vn