Nông thôn mới căng tràn nhựa sống
- Thứ hai - 09/10/2017 20:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân huyện Chương Mỹ phấn khởi với vụ mùa bội thu. Ảnh: Tào Ngọc |
Đổi mới từng ngày
Đường vào UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) giờ đây được trải nhựa phẳng lỳ, thay cho con đường đá sỏi gập ghềnh - thời điểm Yên Bình (từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) hợp nhất về Hà Nội. Giao thông thuận lợi, nhịp sống miền “sơn cước” nơi có quá nửa bà con là đồng bào dân tộc Mường sinh sống giờ sôi động không kém các xã vùng xuôi. Chỉ cần quan sát phiên chợ Cò nhộn nhịp đã đủ biết đời sống của bà con đang ngày càng sung túc. Nhà văn hóa trung tâm xã Yên Bình với không gian khang trang, sạch đẹp, khuôn viên rộng thoáng được trang bị đầy đủ trang thiết bị với tổng kinh phí đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Từ khi có nhà văn hóa, xã Yên Bình đã tổ chức cho nhân dân tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao; đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi trong bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường…
Ở một vùng ngoại ô phía Bắc thành phố, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang chia sẻ: Năm 2010, huyện bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới khi chỉ có 1 tiêu chí đạt (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều thấp, nhưng đến nay, huyện đã có 12 xã được công nhận đạt chuẩn; 4 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 18 tiêu chí. Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất là hệ thống giao thông nông thôn cơ bản được “cứng” hóa; số thôn có nhà văn hóa, trường học, chợ, trạm y tế đạt chuẩn không ngừng tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Theo ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, trong 19 tiêu chí của bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nhiều tiêu chí của Hà Nội đạt cao. Ví dụ với tiêu chí điện, Hà Nội có 383/386 xã; giao thông 351/386 xã; thủy lợi 358/386 xã; cơ sở vật chất văn hóa 356/386 xã; trường học có 313/386 xã đạt và cơ bản đạt... Đến hết tháng 9-2017, Hà Nội có 3 huyện là Đan Phượng, Đông Anh và Thanh Trì được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 255/386 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Những mô hình triển vọng
Không chỉ xây dựng hạ tầng khang trang, khu vực ngoại thành đang bật lên những mô hình mới với nhiều triển vọng; xuất hiện ngày càng nhiều điển hình làm giàu từ nông nghiệp. Tại huyện Mê Linh, đã có 225 hộ được UBND huyện chấp thuận chủ trương và phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Xuân Quang đánh giá: Thu nhập của các hộ sau chuyển đổi nuôi trồng thủy sản đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm; trồng cây ăn quả đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm… Tiêu biểu như gia đình anh Ngô Văn Thuận ở thôn Phù Trì (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) đã tiên phong thuê đất chuyển đổi sản xuất từ lúa sang cây ăn quả đặc sản như: Bưởi, cam... Để nâng cao giá trị, anh đã chủ động học tập, áp dụng công nghệ, tạo ra các loại trái cây có hình thức lạ mắt như: Bưởi hồ lô, bưởi hình thỏi vàng, khắc chữ lên trái cây… Với mô hình này đã mang lại thành công.
Với huyện Thanh Trì, nhiều nông dân lại gặt hái bởi mô hình trồng rau thủy canh được triển khai với quy mô 2.600m2, bước đầu cho hiệu quả tương đương với mô hình ở Đà Lạt (Lâm Đồng)… Còn tại vùng đất "chân chim bóng núi" huyện Mỹ Đức lại hứa hẹn với mô hình sản xuất nấm công nghệ cao do doanh nghiệp địa phương mạnh dạn lắp đặt dây chuyền nhập từ nước ngoài, với khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng... Huyện Gia Lâm cũng hấp dẫn không kém với mô hình nuôi giun quế ở xã Phù Đổng, giúp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò sữa và tạo thu nhập khá cho nông dân.
Từ những mô hình “mắt thấy, tai nghe” ấy, nhiều nông dân đã nỗ lực học hỏi, ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài sự cố gắng, năng động, sáng tạo của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…, vai trò định hướng, cổ vũ, hỗ trợ thiết thực của thành phố và chính quyền các cấp đã tạo nên toàn cảnh bức tranh phát triển của Thủ đô. Để tạo thuận lợi cho nông dân và các thành phần kinh tế, TP Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, đề án, dự án; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Riêng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí huy động cho nông thôn mới toàn thành phố đạt hơn 15.615 tỷ đồng...
Tiếp tục khẳng định sự ủng hộ, đồng hành của thành phố trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” Ngô Thị Thanh Hằng đã có những chỉ đạo cụ thể. Trong đó, các sở, ngành, huyện, thị xã, tích cực tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; có cơ chế hỗ trợ thuê đất, vốn vay, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại... Đây là những động lực phát triển sản xuất nông nghiệp để nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh, góp phần xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.
Theo: Nguyễn Mai/hanoimoi.com.vn