Nông thôn mới chỉ hiệu quả khi có tư duy mới

Nông thôn mới chỉ hiệu quả khi có tư duy mới
Cụ thể hóa chủ trương xây dựng nông thôn mới cần đặt mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân phải đưa lên hàng đầu chứ không chỉ là con đường mới, nhà văn hóa, chợ mới hay bưu điện, Internet,... Tiếp xúc với nhiều cử tri chúng tôi được phản ánh rằng nếu không bán được sản phẩm làm ra thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới sẽ không còn ý nghĩa.
Hiệu quả nông thôn mới chỉ là bước đầu
Sau thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, kết quả cụ thể đó là: Một số chính sách cụ thể để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các luật được Quốc hội thông qua, các nghị định,thông tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành đã từng bước đi và cuộc sống.Các bộ, ngành đã phối hợp và hỗ trợ ngành nông nghiệp trong việc thực hiện Đề án thông qua điều chỉnh nhiều chính sách liên quan.
Đến nay, nhiều các tỉnh, TP đã ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương và xây dựng nông thôn mới.Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện có kết quả trong thực tiễn. Bên cạnh đó, đã hình thành bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ T.Ư tới cơ sở, vận hành Chương trình có hiệu quả trên cơ sở các bộ tiêu chí, hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện. Nhiều nơiđã cụ thể hóa các chính sách của T.Ư, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%. 
Kết quả trên cho thấy chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.
Song cũng bộc lộ những hạn chế
Tuy nhiên, chủ trương xây dựng nông thôn mới thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế do thực hiện thiếu đồng bộ. Chủ yếu mới quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội mà nguồn vốn chủ yếu trông chờ vào ngân sách. Việc thực hiện chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm hết sức hạn chế, việc huy động mọi nguồn lực xã hội kém hiệu quả. Kết quả xây dựng nông thôn mới thiếu bền vững, chủ yếu đi vay để xây dựng. Tính đến cuối năm 2016 số nợ phát sinh do đầu tư xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã đến con số hơn 15.000 tỷ đồng.Bộ tiêu chí về nông thôn mới chậm điều chỉnh những vấn đề bất cập với thực tiễn đặt ra, vận hành một bộ tiêu chí chung cho mọi địa bàn là thiếu thực tiễn mang tính dàn đều. 
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Đó là: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún chưa tạo được giá trị gia tăng. Việc ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế, nông dân lạm dụng chất hoá học đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật làm ra sản phẩm nông nghiệp không an toàn, làm thoái hoá đất canh tác, làm ô nhiễm môi trường sống, gây hậu quả lâu dài.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm chúng ta phải bỏ ra 500 triệu USD để nhập 8.000 tấn hạt giống các loại, 12,4 tỷ USD nhập vật tư cho nông nghiệp. Phải nhập 90% thuốc bảo vệ thực vật, 90% giống hoa các loại. Điều đó cho thấy chúng ta chưa quan tâm đúng mức đối với những nghiên cứu khoa học phục vụ cho nông nghiệp, chưa tổ chức tốt việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, công tác phối kết hợp giữa 4 nhà trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực hiện có hiệu quả.
Những vấn đề trên đặt ra, nếu không đẩynhanh việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp thì sản phẩm nông nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà khi chúng ta hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đời sống nông dân không được nâng cao làm tăng thêm nguy cơ mất ổn định xã hội. 
Nông thôn mới phải gắn với nền nông nghiệp đại, cách nào?
Quốc hội, Chính phủ đã nhìn ra những hạn chế trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới đồng thời chỉ ra những giải pháp cho thời gian tới. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của Chương trình, thời gian tới việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệpcần lấy DN làm chủ lực. Tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là thay đổi tập quán canh tác người dân, chuyển từ lao động thủ công sang quy mô hóa, hiện đại hóa là quan trọng nhất.
Việc đó, người dân không tự làm được một mình, Nhà nước với vai trò là “bà đỡ” cũng không làm thay được, chỉ có một lực lượng làm được đó là các DN. Do đó việc nhất quán đề ra cơ chế chính sách và hệ thống pháp luậtđủ mạnh để việc thu hút thực sự các DN đầu tư vào nông nghiệp cần xem là nội dung chính, là đòn bẩy để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 
Cùng với đó, tái cơ cấu tổ chức ngành nông nghiệpcần cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp.Đó là các đơn vị sự nghiệp có thu như trạm giống cây trồng, vật nuôi, công ty thủy lợi, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư,... Những đơn vị này trong nhiều chục năm hoạt động theo cơ chế bao cấp, vừa không phải là đơn vị nghiên cứu cũng không phải là đơn vị kinh tế thực thụ. Nên dù đóng vai trò “dẫn dắt” người dân làm theo nhưng không một cơ sở nào cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Kết quả là người nông dân luôn chịu thiệt thòi khi “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. 
Khi DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp, họ là người quyết định phân khúc thị trường sẽ tham gia, sản phẩm sẽ sản xuất, quy trình canh tác và các ứng dụng khoa học công nghệ sẽ áp dụng, nên họ sẽ hướng dẫn được người nông dân làm theo quy trình của mình và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Mô hình này đã được chứng minh trong thực tiễn sản xuất ở một số địa phương như Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang,… trong đó, đặc biệt thành công ở tỉnh Lâm Đồng với nghề trồng hoa và rau quả sạch. 
Khi các DN xuất hiện, các trung tâm khuyến nông, trung tâm giống, cây trồng, vật nuôi… trở thành đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh với họ. Vì vậy, cổ phần hóa các đơn vị này là cần thiết và là phương án tốt nhất cho cả nhà nước (giảm bớt gánh nặng ngân sách) lẫn xã hội (tăng thêm nguồn lực cho xã hội, đảm bảo công bằng xã hội).
Cũng đã đến lúc, tái cơ cấu chính sách nông nghiệptheo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta trong nhiều chục năm qua đều áp dụngchủ yếu cho nông nghiệp vô cơ (nền nông nghiệp sử dụng nhiều loại hóa chất như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…).
Sản phẩm của nông nghiệp vô cơ là nguyên nhân chính gây ra các loại ung thư và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, làm thoái hóa đất đai, nên cả thế giới chuyển sang phát triển nông nghiệp hữu cơ. Điều này đòi hỏi Quốc Hội, Chính phủ cần có chủ trương mạnh mẽ và định hướng chuyển nhanh sang phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trước tiên là để bảo vệ sức khỏe của người dân, được sử dụng thực phẩm an toàn, bên cạnh đó là để nước ta có thể chủ động hội nhập với quốc tế dựa trên tiềm năng và lợi thế phát triển nền nông nghiệp của mình.
Chính phủ cần nghiên cứu, cải cách, điều chỉnh khung pháp lý một cách mạnh mẽ về phát triển nông nghiệp cho phù hợp vơi xu hướng tất yếu này vì nông nghiệp hữu cơ khác hẳn nông nghiệp vô cơ về nhiều mặt. Ví dụ những chính sách về khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, cải tạo đất bằng công nghệ sinh học, bảo quản nông sản bằng chế phẩm sinh học và vật lý,… là những nền tảng pháp lý cơ bản để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bài học thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ ở một số địa phương trong nươc như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An,.. mở ra những tiềm năng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả cả cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Điều quan trọng nữa là đẩy nhanh xã hội hóa chương trình xây dựng nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò vô cùng quan trọng vì mục tiêu của chúng ta không chỉ là thay đổi bộ mặt hạ tầng xã hội của vùng nông thôn mà là xây dựng nông thôn hiện đại (với 70% dân số) theo tinh thần Nghị quyết TW 26 khóa X. Nông thôn mới của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Như thế, mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân phải đưa lên hàng đầu chứ không chỉ là con đường mới, nhà văn hóa, chợ mới hay bưu điện, Internet,... Tuy nhiên nếu không bán được sản phẩm làm ra thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới sẽ không còn ý nghĩa. 
Do đó, việc xây dựng nông thôn mới bền vững, lâu dài phải gắn với một nền sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghiệp hóa, phải có sự đóng góp của bản thân: người dân và DN dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy việc xã hội hóa chương trình xây dựng nông thôn mới là một giải pháp cần được nghiên cứu đẩy nhanh.
Nguồn: kinhtedothi.vn