Nông thôn mới 'đuổi nghèo' ở xứ núi
- Thứ ba - 18/07/2017 03:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Yên Lập (Phú Thọ) gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trải qua 6 năm xây dựng NTM, mỗi người đều cảm nhận rõ nét sự chuyển động không ngừng, một mạch sống mới trỗi dậy, đang rạo rực sinh sôi trên vùng đất này.
Diện mạo mới của huyện Yên Lập (Phú Thọ) |
Yên Lập là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm TP Việt Trì khoảng 70 km, Tổng diện tích tự nhiên là 43.783,62 ha, với 17 đơn vị hành chính (16 xã và 01 thị trấn). Cách đây 10 năm giao thông đi lại khó khăn, cứ trời mưa xuống là tuyến đường từ huyện về tỉnh lầy lội, huyện hầu như bị cô lập hoàn toàn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám người dân nơi đây.
10 năm sau trở lại Yên Lập, cảm nhận của chúng tôi về cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi hẳn, nhọc nhằn giờ đã qua, ngày mới tươi đẹp đã đến với mảnh đất vùng núi này. Bao năm vất vả, đường giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện, đã được đầu tư, mở rộng, êm thuận, không còn cách trở trong việc đi lại của nhân dân và phát triển KT -XH các vùng khó khăn trong toàn huyện.
Xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn, huyện đã chọn tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập là khâu đột phá mà trọng tâm là chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tang, năng suất cây trồng, vật nuôi và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.
Một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung có khối lượng sản phẩm lớn đã được hình thành như: Vùng lúa nếp Gà Gáy tại các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương; vùng chè tại các xã Ngọc Đồng, Ngọc Lập, Minh Hòa; cây quế ở Thượng Long, Trung Sơn… Nhiều mô hình sản xuất mới như trồng khoai tây, phát triển chè Shan tuyết, nuôi cá tầm, cá lồng… trên hồ thủy lợi được nhân rộng, nhờ vậy đời sống nhân dân nâng cao rõ rệt, bình quân thu nhập 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 22,16%.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Yên Lập tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xã hội hóa nguồn đầu tư cho hệ thống giao thông nông thôn, lồng ghép các chương trình, dự án và huy động người dân góp tiền mặt, vật liệu, ngày công, giá trị tài sản, hoa màu và hiến đất làm đường.
Từ năm 2011 đến nay, 16 xã đã xây dựng mới gần 80km đường trục xã, liên xã; hơn 58km đường liên thôn; gần 50km đường ngõ, xóm và 10km đường nội đồng. Hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư với nhiều công trình mới như Phai Ngà - Giộc Giang, Thông Chim… Hàng chục hồ đập được xây mới, nâng cấp.
Văn hóa, giáo dục, y tế cũng được đầu tư toàn diện. Toàn huyện có 34/49 trường học và 11/16 trạm y tế đạt chuẩn, xây dựng mới và nâng cấp 113/208 nhà văn hóa khu dân cư…Yên Lập đã và đang phát huy tiềm năng để trở thành huyện mạnh trong công cuộc “đuổi nghèo”…
Không chỉ đoàn kết xây dựng kinh tế, huyện còn vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, 100% xã, thị trấn có CLB thể thao, sân tập thể thao; 100% khu dân cư có nhà văn hóa, trong đó có gần 100% nhà văn hóa đạt chuẩn NTM.
Sau hơn 6 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Yên Lập mới có một xã Hưng Long đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 3 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, có thêm một xã cơ bản đạt chuẩn và xã Nọc Lập cán đích NTM đầu năm 2018.
Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Yên Lập Cho biết: Thời gian tới, Yên Lập sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống ban chỉ đạo và phối xây dựng NTM các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tập trung tạo sự chuyển biến về xã hội, cảnh quan môi trường nông thôn, phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội; huy động các nguồn lực để sớm đưa Yên Lập về đích NTM sớm nhất. |