Nông thôn mới huyện Nam Giang: Giao thông “mở đường” đưa về no ấm
- Thứ sáu - 14/02/2020 08:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng biên đổi thay
Nam Giang là huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam, có diện tích 184.899ha, dân số hơn 23.000 người (hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số), gồm 11 xã, thị trấn, trong đó có tới 6 xã biên giới đặc biệt khó khăn.
Nam Giang hiện nay có cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khá thuận lợi. Ảnh: Đ.H
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Giang chia sẻ, trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, huyện Nam Giang đã tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường giao thông - trường - trạm…
Đặc biệt, khi Trung ương cũng như tỉnh Quảng Nam phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Nam Giang như được tiếp thêm sức mạnh, chính quyền các cấp từ huyện đến xã, thôn đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo và bắt tay ngay vào triển khai thực hiện chương trình.
Theo ông Chương, để mở đường thoát nghèo cho bà con ở khu vực vùng núi, vùng biên giới, chủ trương của Nam Giang là lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó, giao thông nông thôn (GTNT) được ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2011-2015, Nam Giang đã đầu tư cho giao thông gần 239,7 tỷ đồng/tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện là 456,6 tỷ đồng. Dự kiến huy động nguồn lực để xây dựng chương trình giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 122 tỷ đồng…
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ đó, nhiều tuyến đường GTNT, công trình, dự án thủy lợi… tại các địa phương được đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn, đường thôn, xóm được kiên cố hóa; hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới tiêu cho gần 70% diện tích…
Có đường giao thông đi lại thuận lợi, điện thắp sáng, trường học tốt, trạm y tế chuẩn… nên bà con rất phấn khởi, đời sống từ đó cũng được nâng lên, diện mạo vùng nông thôn, biên giới ở Nam Giang thêm khởi sắc.
Đời sống nâng lên nhờ cây, con chủ lực.
Theo ông Chương, để nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con và giảm nghèo bền vững, Huyện ủy, HĐND huyện Nam Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy, Nghị quyết số 09 năm 2012/NQ-HĐND về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện.
Theo đó, huyện xác định các loại cây, con chủ lực như: Cao su, keo, chuối, cây ăn quả, lợn, dê, bò, gà… phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện chăn nuôi và canh tác của bà con miền núi để phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.300ha cao su đại điền và tiểu điền; đã đưa vào khai thác mủ hơn 43ha cao su đại điền tại Nông trường cao su Thạnh Mỹ. Ngoài ra, Nam Giang có diện tích đất rừng tự nhiên lớn, thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng, trong đó chủ yếu cây keo. Bình quân mỗi năm nhân dân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 200ha cây keo, chu kỳ 4-5 năm sinh trưởng, cây keo đưa vào khai thác sẽ cho thu nhập từ 42-43 triệu đồng/ha.
Đối với chăn nuôi, các con chủ lực như: Bò (chủ yếu bò cỏ địa phương), dê, lợn (chủ yếu lợn rừng lai), gà… cũng được phát triển mạnh.
“Nam Giang đang hỗ trợ giống cây cho bà con để tập trung trồng thử điểm gần 7ha mô hình cây ăn quả, như: Cam ruột đỏ, cây bơ Mỹ, bơ thái, bưởi da xanh… ở một số xã. Nếu như thành công, thời gian tới huyện sẽ tập trung nhân rộng trên địa bàn toàn huyện…” - ông Chương chia sẻ.
“Có thể nói, qua 9 năm triển khai xây dựng NTM mới và thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện đã thu được những thành công đáng kể. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nhiều thay đổi, thu nhập tăng lên, hệ nghèo giảm mạnh...”- ông Chương nhấn mạnh.
Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, giai đoạn sau 2020, Nam Giang xác định mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM là xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Những năm tới, huyện Nam Giang tiếp tục thực hiện cân đối, bố trí nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các công trình nước sinh hoạt phục vụ dân sinh, tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngành nông nghiệp từng bước đưa các loại giống mới, năng xuất cao, là điều kiện hướng tới góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo cho người dân.