Nông thôn mới không chỉ là hạ tầng hiện đại

Nông thôn mới không chỉ là hạ tầng hiện đại
Hơn 2 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai rộng khắp ở các địa phương trên cả nước. Phương châm xây dựng được trung ương xác định ngay từ đầu là: Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân là chủ thể, các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở làng, xã do cộng đồng người dân làm chủ, bàn bạc, quyết định. Thế nhưng trong quá trình triển khai, không ít địa phương lại hiểu sai phương châm này, xem nhẹ vai trò chủ thể của người dân, coi xây dựng nông thôn mới là việc của chính quyền, của Nhà nước.


Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của người dân, quy hoạch và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống làng quê, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương trên cả nước hào hứng tham gia.

Ngay từ khi thai nghén và triển khai chương trình, tư tưởng của trung ương đã xác định: người dân được đặt lên vị trí trung tâm. Họ được tham gia bàn bạc, được quyết định những công việc của thôn, xã mình. Bởi từ xưa đến nay, chủ thể của quá trình phát triển nông thôn chính là người dân. Ngàn năm nay, người dân nông thôn là “linh hồn” tạo nên cộng đồng làng xã, với những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử truyền thống, những quy ước, hương ước như một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội mỗi vùng quê.
 

Xây dựng nông thôn mới là thay đổi tư duy của người nông dân, biến họ trở thành người làm chủ với cuộc sống (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, sau hơn 20 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, ở không ít địa phương, lãnh đạo xã chưa tin dân, cho rằng tầm nhìn và năng lực của người dân còn hạn chế nên không thể giao công việc xây dựng nông thôn mới khó khăn, phức tạp này cho dân. Người dân nhiều nơi mới chỉ được thông báo, được nghe, và tham gia đóng tiền, còn việc “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì còn khá xa vời.

Huy động nội lực cộng đồng nếu chỉ nhìn vào số tiền người dân đóng góp để đánh giá sự tham gia của họ là không đúng. Có nơi kinh tế phát triển, người dân đóng góp được nhiều, nơi còn khó khăn thì thậm chí nhà nước phải hỗ trợ chứ khó có thể huy động người dân đóng góp.

Cho nên, phát huy nội lực cộng đồng nghĩa là cần trao quyền, hướng dẫn, hỗ trợ để nông dân tự quyết định và tổ chức xây dựng chương trình phát triển nông thôn. Trao quyền cho nông dân không phải là người dân làm một mình, tự bỏ tiền, công sức ra để xây dựng nông thôn mới. Nông dân nước ta còn rất nghèo, và cũng để khoan sức dân, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền và hướng dẫn người dân làm. Ngay cả khi Nhà nước hỗ trợ hơn mức người dân đóng góp, thậm trí 70%, 100% thì người dân vẫn là chủ, chứ không phải Nhà nước nhiều hơn thì Nhà nước là chủ, làm thay, còn nông dân đứng bên lề công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Qua quá trình người dân được bàn, được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, mối quan hệ cộng đồng được củng cố, lúc đó nội lực cộng đồng được huy động ở mức cao nhất. Còn có những thôn, xã người dân đóng góp 100% kinh phí nhưng họ không được quyền tham gia vào quá trình đó thì nội lực cộng đồng vẫn chưa được xây dựng.

Cái để lại của nông thôn mới không chỉ là cơ sở hạ tầng hiện đại mà điều quan trọng là thay đổi tư duy của người nông dân, biến họ trở thành người làm chủ với cuộc sống mình, biết suy nghĩ một cách tự chủ, tin tưởng chính vào sức mình, biết đoàn kết, gắn bó, làm việc tập thể và có tinh thần trách nhiệm.

Chính thay đổi như thế thì người nông dân mới mạnh dạn, sáng tạo đứng lên xây dựng được nông thôn mới cho chính họ. Cấp trên, chính quyền không áp đặt, không làm thay dân, mà cung cấp thông tin, định hướng "khung" cho người dân lựa chọn./.