Nông thôn mới ở Châu Tiến (Nghệ An): Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Nông thôn mới ở Châu Tiến (Nghệ An): Nhiều tiêu chí khó thực hiện
Nằm ngay trên trục đường 48, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu (Nghệ An) là 1 trong 2 xã điểm của huyện đang từng bước triển khai chương trình nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình này, Châu Tiến đang gặp rất nhiều khó khăn...

 
Mô hình HTX dệt thổ cẩm đang mang lại giá trị kinh tế
cho người dân xã Châu Tiến
 
Tập trung sản xuất nông nghiệp có giá trị cao
 
Ở mảnh đất Châu Tiến, nông sản chủ lực vẫn là lúa. Bằng việc mạnh dạn cơ cấu các giống lúa lai năng suất cao vào thâm canh như giống BO404, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đang hướng tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp có giá trị cao. Một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng mía. Trong nghị quyết của xã, sẽ tổ chức khoanh lại các diện tích đất nông nghiệp, từ đây cơ cấu các giống cây trồng phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Là xã điểm của huyện trong xây dựng NTM, lãnh đạo xã Châu Tiến chỉ đạo xuống tận các thôn bản lấy nông nghiệp làm nền tảng cơ bản cho mục tiêu quốc gia này. Ông Sầm Văn Chính – Phó chủ tịch (phụ trách kinh tế) xã Châu Tiến cho biết: "Là xã điểm NTM của huyện, trong thời gian tới chúng tôi sẽ khoanh vùng ruộng nước, phát huy một số mô hình nuôi cá lồng, dệt thổ cẩm…để tạo điều kiện cho người dân thích ứng dần những hành động cụ thể trong xây dựng NTM”. 
 
Ngoài ra, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án nước ngoài, xã đã đầu tư vào các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả cao. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên sông tại 3 bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2 và Minh Tiến. Đến nay, toàn xã có hơn 30 hộ tham gia với khoảng 90 lồng. Ông Vi Văn Tuyên, một hộ nuôi cá lồng cho biết: "Nhà tôi hiện có 3 lồng, mỗi lồng khoảng 200 con cá trắm. Nếu không bị lũ cuốn thì mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 20 triệu đồng”. Bên cạnh đó, nghề làm hương trầm và dệt thổ cẩm cũng đang được phát triển mạnh. Xã đã xây dựng được làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiên với hơn 40 hội viên. Giờ đây nhà nào cũng phát triển nghề dệt thổ cẩm. Theo ông Chính thì đây là cơ sở cho nhiều tiêu chí NTM mà xã đang cần, "chúng tôi sẽ dựa vào những thế mạnh của địa phương để đưa kinh tế phát triển, đồng thời sớm hoàn thành mục tiêu NTM”, ông Chính khẳng định.
 
Khó nhất vẫn là vốn
 
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác, xã Châu Tiến vẫn còn đó những khó khăn khi thực hiện chương trình này. Cái cụ thể và quan trọng nhất vẫn là vốn. Theo ông Chính, đến nay toàn xã có 6 tiêu chí đã đạt, 9 tiêu chí chưa đạt và 4 tiêu chí khó đạt. Trong các tiêu chí khó đạt, ông Chính đã lấy ra một ví dụ về hộ nghèo và giao thông nông thôn. Bởi đặc thù của các xã miền núi với địa hình phức tạp, nhất là nơi đây thường xảy ra lũ lụt khiến hệ thống giao thông bị xuống cấp, để đạt được tiêu chí này cần một lượng lớn nguồn vốn chứ để nhân dân đóng góp e rằng tiêu chí này "sẽ mãi nằm trên giấy”. Còn đối với tiêu chí hộ nghèo, cũng là một tiêu chí "khó lòng thực hiện”. "Hiện nay số hộ nghèo ở Châu Tiến đang chiếm gần 60%, nếu đến năm 2015 xã hoàn thành đạt chuẩn quốc gia NTM như trong nghị quyết đã đề ra, mà hộ nghèo là một trong tiêu chí đó thì quả là một "bước nhảy vọt”, vì đến thời điểm này bình quân thu nhập của người dân xã Châu Tiến là 700 – 800 ngàn/người/tháng”, ông Chính phân tích.
 
Một số tiêu chí khác như thiết chế văn hóa, chợ nông thôn, thông tin liên lạc… vẫn đang là một thách thức lớn cho xã điểm NTM Châu Tiến. Do đó, việc phát huy thế mạnh của một địa phương là đúng đắn, tuy nhiên bên cạnh đó cần phải "thực tế hơn” cho những tiêu chí mà các địa phương vùng cao đang gặp phải không chỉ ở Nghệ An mà còn là "cái khó” của nhiều xã miền núi trong cả nước.
Bắc Vũ
Nguồn:daidoanket.vn