Nông thôn mới ở Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp đồng hành cùng dân

Nông thôn mới ở Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp đồng hành cùng dân
Để xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động phong trào doanh nghiệp cùng nhân dân đồng hành xây dựng NTM.
 

Thực hiện chương trình sản xuất gạo hữu cơ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, vụ xuân năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Hội Tiểu thủ Dịch vụ Công nghiệp đã phối hợp với Cty TNHH Quế Lâm Phương Bắc xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây lúa tại xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường và thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.
Mục tiêu của chương trình nhằm đưa tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, an toàn. Theo đó các hộ nông dân tham gia chương trình sẽ được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc hỗ trợ 100% giống và Cty Quế Lâm hỗ trợ 30% phân bón hữu cơ, còn lại 70% phân bón hữu cơ nông dân vẫn tiếp tục được Cty cho vay không tính lãi cho đến khi thu hoạch.

Mô hình đã thu hút khoảng 1.000 hộ dân tham gia triển khai trên tổng diện tích 60 ha và bước đầu đã mang lại kết quả rất khả quan. Cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh và chống chịu điều kiện tốt hơn so với giống lúa cùng loại ngoài mô hình. Sau khi nhổ hai khóm lúa được gần 1 giờ, lúa bón phân vi sinh của Quế Lâm vẫn còn tươi nhưng khóm lúa bón phân vô cơ đã bị héo, cho thấy khả năng chống chịu của cây lúa khi sử dụng phân vi sinh.


Nhiều diện tích lúa BC15 bón phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm sinh trưởng, phát triển tốt

Đặc biệt trong vụ này, nhiều diện tích lúa BC15 bón phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm sinh trưởng, phát triển tốt, cây có khả năng chống đổ, thời gian lúa trỗ nhanh, tập trung và trỗ vào những ngày có nhiệt độ thuận lợi cho quá trịnh thụ phấn trong khi hàng trăm ha lúa BC15 tại xã, huyện khác của tỉnh nhưng không cùng mô hình lại phải chịu thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, diện tích lúa trong mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh của Quế Lâm không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Nhìn chung, các giống RVT, Khang dân18, BC15… khi tham gia mô hình đều phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, trỗ nhanh, tập trung và cứng cây.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc thì diện tích sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có năng suất tương đương với diện tích lúa canh tác theo phương thức thông thường nhưng chi phí phân bón cho phân vi sinh ít hơn và giá bán lúa gạo sản xuất hữu cơ luôn cao hơn giá thị trường 10% nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Ví dụ lúa RVT trong mô hình đạt 217 kg/sào, còn lúa RVT ngoài mô hình đạt 219 kg/sào. Lúa BC15 trong mô hình đạt 253 kg/sào và ngoài mô hình đạt 258 kg/sào. Chi phí giống, phân bón vi sinh cho một sào lúa BC15 là 925.000 đồng/vụ còn chi phí giống, phân bón đại trà cho một sào lúa ngoài mô hình là 973.000 đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí thì một sào lúa BC15 đại trà với giá 7.000 đồng/kg sẽ cho lãi khoảng 832.000 đồng còn một sào lúa BC15 trong mô hình với giá 7.700 đồng/kg được lãi 1.022.000 đồng.

Như vậy khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm đầu tư thấp hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 190.400 đồng/sào tương đương với 5,3 triệu đồng/ha.

Bà Phan Thị Lộc, một nông dân tham gia mô hình ở xã Ngũ Kiên, cho biết lần đầu tiên canh tác lúa theo phương thức hữu cơ nên bà không tránh khỏi băn khoăn về hiệu quả mùa vụ. Trong quá trình sinh trưởng, cây lúa bón phân vi sinh lại không có màu xanh mượt như các ruộng lúa thông thường nên gia đình càng lo lắng nhưng mỗi tuần một lần cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Cty Quế Lâm đều ra đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lúa và họ luôn khẳng định lúa vẫn phát triển tốt, kiểm tra thật kĩ trên ruộng cũng không phát hiện sâu bệnh bà Lộc mới phần nào bớt lo. Nhưng cho đến giờ thì bà Lộc đã hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng chuyển sang phương thức sản xuất mới bởi lợi nhuận thu được cao hơn mà cả vụ lúa vừa qua gia đình bà không hề dùng đến một chút thuốc BVTV nào.

 

Giải đáp khúc mắc của thứ trưởng Lê Minh Tiến, đồng thời khẳng định trách nhiệm xã hội đối với người nông dân, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Quế Lâm, cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ cho tất cả diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ của tập đoàn với giá cao hơn thị trường 10%. Tất nhiên, với điều kiện các hộ nông dân tham gia mô hình phải đảm bảo sản xuất đúng quy trình và phải bắt đầu từ niên vụ thứ 3. Tức là khi chân đất sản xuất lúa đã đảm bảo tiêu chuẩn “sạch” để cung ứng ra thị trường.

Việc sử dụng thuốc BVTV liên tục trong nhiều năm đã khiến cho đồng ruộng bị nhiễm hóa chất, nay canh tác theo phương pháp hữu cơ đồng ruộng bỗng dưng đổi khác. Cây lúa khỏe hơn đã đành nhưng đất đã tạo mùn giun và những người nông dân như bà Lộc lại thấy như được hồi sinh bởi lâu nay hóa chất và nông dân đang bị ghép chặt, tựa như cái án tử hình lơ lửng.

Đánh giá cao hiệu quả của mô hình, thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Lê Minh Tiến cho đặt mục tiêu giá trị sức khỏe của nông dân, mục tiêu môi trường canh tác bền vững song song với giá trị kinh tế là hướng đi đúng, bước đầu mô hình sử dụng phân bón vi sinh Quế Lâm cho cây lúa đã cho thấy thành công trên nhiều phương diện. Cách làm này nếu nhân rộng chắc chắn nông dân Vĩnh Phúc sẽ giảm thiểu mối lo về môi trường sức khỏe, vấn đề quan trọng là phải làm sao để đảm bảo cho những nông dân tham gia chương trình sản xuất gạo hữu cơ luôn bán được lúa với giá cao hơn thị trường 10%.

BT
Nguồn infonet.vn