Nông thôn mới tại quê hương 5 tấn Thái Bình
- Thứ hai - 04/04/2016 03:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khởi đầu xây dựng NTM, Thái Bình đã chọn 8 xã làm mô hình điểm chỉ đạo, mỗi huyện, thành phố cũng chọn 1 - 2 xã làm điểm; từ huyện đến xã đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể. Sau 5 năm, Thái Bình có huyện NTM đầu tiên là Hưng Hà, vượt mục tiêu đề ra và được nhận định là địa phương dẫn đầu cả nước. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thái Bình cho biết, địa phương đã ban hành các cơ chế chính sách, kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhất là cơ chế quản lý và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ đó, tạo nên bước đột phá, thu hút khá lớn nguồn lực đối ứng của địa phương, cộng đồng dân cư, khắc phục khó khăn và tâm lý trông chờ cấp trên.
Thái Bình huy động hiệu quả nhiều nguồn lực cho xây dựng NTM - Nguồn: Internet
Nhằm giảm bớt gánh nặng đóng góp cho người dân, tại tỉnh Thái Bình việc huy động nguồn lực của dân chủ yếu dành cho những công trình phục vụ trực tiếp cộng đồng dân cư như đường nhánh cấp một trục thôn, đường trục thôn, nội đồng, kênh cấp một loại ba… Còn hầu hết đường trục xã, trường học, trạm y tế dùng ngân sách các cấp. Một cách làm sáng tạo khác là cộng đồng dân cư thành lập Ban kiến thiết, lập dự toán tổng kinh phí rồi rà soát con em quê hương có điều kiện kinh tế vận động ủng hộ, sau khi cân đối thiếu bao nhiêu sẽ chia đầu khẩu đóng góp; qua cách cách làm này có nơi người dân chỉ phải góp 50.000 đồng/khẩu.
Từ những cách làm đó, xây dựng NTM ở Thái Bình đã trở thành phong trào sâu rộng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và đạt được kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn có chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; kết cấu hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM 5 năm qua trên 8.000 tỷ đồng (tiền và quy tiền); trong đó, nhân dân đóng góp 4.460 tỷ đồng và hiến gần 2.000 ha đất, vốn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân 685 tỷ đồng. Đã xây dựng và nâng cấp 4.714 km đường giao thông nông thôn và giao thông trục chính nội đồng; 28 trạm bơm, 248 cống đập, 20 trạm cấp nước sạch; 94 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; 27 nhà văn hóa xã, 867 nhà văn hóa thôn, 171 trạm y tế, 56 chợ; 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh dự kiến có 165 xã (62,7%) đạt chuẩn NTM, 98 xã đạt 13 - 18 tiêu chí.