Nông thôn mới trên vùng đất khó

Nông thôn mới trên vùng đất khó
Đại úy Lưu Văn Ánh, trợ lý chính trị Ban CHQS huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cùng vợ là Nguyễn Thị Nhung vừa mua nhà tại thôn N'Tôl, xã Đạ Tông, chấm dứt quãng thời gian hơn 5 năm đi ở trọ. Anh Ánh tâm sự: “Từ khi có chương trình nông thôn mới cùng với sự góp sức của Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, xã Đạ Tông "thay da đổi thịt" từng ngày, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Đó là lý do vợ chồng tôi quyết chí gắn bó lâu dài ở đây”.

Năm 2012 trở về trước, Đạ Tông là xã nghèo của huyện Đam Rông, toàn xã có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, 90% người theo đạo, tỷ lệ hộ nghèo hơn 80%. Trước đây, vùng đất này còn là địa bàn trọng điểm của lực lượng FULRO, do đó cuộc chiến giành đất, giành người giữa cách mạng và bọn phản động diễn ra vô cùng ác liệt. Một thời gian dài, Đạ Tông vẫn được biết tới như là vùng "đất dữ", xa xôi, cách trở với nhiều hủ tục lạc hậu và bệnh sốt rét thường xuyên bùng phát.
Đầu năm 2012, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng quyết định chọn Đạ Tông làm xã điểm thực hiện phong trào “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Có thể nói, đây là sự lựa chọn dũng cảm, đầy trách nhiệm bởi Đạ Tông có điểm xuất phát rất thấp, trong 19 tiêu chí về nông thôn mới, xã mới tiệm cận được 3 tiêu chí về bưu điện, văn hóa và an ninh trật tự.

Lực lượng dân quân xã Đạ Tông giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ.
Nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự được giao, Đảng ủy quân sự tỉnh đã ra nghị quyết chuyên đề “Lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015”. Ban chỉ đạo phong trào thi đua “LLVT tỉnh Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” tiến hành khảo sát, đánh giá địa bàn xây dựng nông thôn mới tại xã Đạ Tông, từ đó xây dựng chương trình, xác định nội dung hoạt động đến năm 2015 và những năm tiếp theo một cách cụ thể, tỉ mỉ, phù hợp với khả năng của đơn vị và thực tế địa bàn.
Tính đến tháng 7-2014, các đơn vị LLVT tỉnh đã trích từ kinh phí tăng gia sản xuất, quỹ phúc lợi ủng hộ xây dựng nông thôn mới ở Đạ Tông hơn 1,5 tỷ đồng, tiêu biểu như: Xây dựng 1 lớp mẫu giáo trị giá 400 triệu đồng, 1 hội trường thôn trị giá 400 triệu đồng; xây tặng 12 căn nhà tình nghĩa; vận động quyên góp bàn ghế, giường tủ, dụng cụ cấp dưỡng, quần áo, sách vở… cho trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã. Đạ Tông cũng là một trong những xã của huyện Đam Rông nằm trong vùng dự án do Đoàn Kinh tế-Quốc phòng tỉnh làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Ngoài ủng hộ về vật chất, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phối hợp với lực lượng dân quân cơ động, cán bộ, đoàn viên thanh niên địa phương giúp dân gần 7000 ngày công, sửa chữa 30km đường liên thôn, nạo vét 18,5km kênh mương nội đồng, trồng 3ha cà phê, 8ha cây tầm vông, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.060 lượt đối tượng chính sách và người nghèo...
Đại tá Trần Xuân Quang, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Với cách làm “vừa cho con cá vừa giúp cái cần câu”, đơn vị đã có những dự án giúp dân xóa nghèo bền vững, cụ thể như: Tặng 84 con bò giống chất lượng cao, kết hợp với khám, chữa bệnh là tuyên truyền về vệ sinh phòng dịch, kế hoạch hóa gia đình; kết hợp với hỗ trợ giống và phân bón là tập huấn về kỹ thuật canh tác, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng; đi cùng với xây dựng nhà văn hóa là hỗ trợ về sách báo, máy vi tính; cùng với cấp gạo cứu đói vào dịp giáp hạt là xây dựng trường học, đường dây điện, làm đường giao thông nông thôn”.
Bên cạnh phát huy sức mạnh nội lực, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã vận động các đơn vị đứng chân trên địa bàn như Học viện Lục quân, Viettel Lâm Đồng; các cơ quan, doanh nghiệp của Quân khu 7 như Công ty Tây Nam, Công ty Đông Hải, Công ty Dệt may 7, Bệnh viện Quân y 7A, 7B, Bệnh viện quân-dân y Miền Đông cùng “giúp sức” xã xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, xã nhanh chóng vươn lên, đến năm 2014 đạt 11/19 tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có những tiêu chí quan trọng như: Giao thông, điện, trường học, y tế.
Đồng chí Kơ Đơng Ha En, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông chia sẻ: “Trong nhiều chuyến công tác kéo dài hàng tuần, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ  phải ở tạm bợ trong trường học, tạm y tế với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Nhưng bộ đội đã không quản ngại khó khăn gian khổ, dù mưa, nắng vẫn luôn miệt mài giúp dân làm đường, làm trường, đào giếng, làm kênh mương, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Nhờ đó mà nhiều thế mạnh ở dạng tiềm năng của địa phương được phát huy, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Có bộ đội về, buôn làng, ngõ xóm đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười vui”.

Bài và ảnh: PHẠM XUÂN NGỌC
Nguồn qdnd.vn