Nông thôn mới “trợ lực” cho nhà nông trẻ làm giàu
- Chủ nhật - 17/06/2018 03:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức trẻ đột phá làm giàu
Sau thời gian nhận tổ chức thu gom rác trên địa bàn xã Đa Phước (Bình Chánh) nằm trong chương trình xây dựng NTM của địa phương, anh Trần Thanh Vũ Phương quyết định bỏ nghề này và thuê đất đào ao nuôi cá tra. “Tôi thấy nhiều nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế từ cái nghề nuôi cá, cũng như chính quyền hiện có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gắn liền xây dựng NTM nên quyết định theo nghề nuôi trồng thủy sản” - anh Phương thổ lộ.
Anh Huỳnh Văn Hiếu (phải) trong một lần đi học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng bè tại Khánh Hòa. Ảnh: T.Đ
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, thời gian qua, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thông qua tác động của việc gia tăng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên 1ha đất, giúp các xã NTM đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. |
Từ việc chỉ thuê 1ha đất nuôi cá tra, giờ anh Phương đã có 3ha nuôi loại cá da trơn này. “Trước đây đất này nông dân trồng lúa, nhưng lỗ suốt nên họ bỏ hoang. Thấy đất bỏ hoang, tôi thuê lại với giá 8 triệu đồng/ha, rồi thuê máy vào đào thành ao nuôi cá” - anh Phương kể.
Theo anh Phương, mấy năm nuôi cá anh đều lời, nhất là thời gian gần đây khi giá cá tra đội lên khá cao. Trung bình mỗi năm anh thu lãi tiền nuôi cá tra từ 500 – 700 triệu đồng. Từ thành công của anh Phương, nhiều nông dân tại đây cũng bắt đầu biến đồng ruộng thành ao nuôi cá tra tạo thành vùng nuôi trồng thủy sản.
Cũng nuôi cá nhưng anh Huỳnh Văn Hiếu (Thạnh An, Cần Giờ) lại nuôi cá lồng bè trên biển. Hiện anh nuôi 7 lồng bè cá, tôm, mỗi lồng bè có diện tích 300m2. Mỗi năm anh thu lãi từ mô hình nuôi cá, tôm này khoảng nửa tỷ đồng.
Sau những năm tích cóp tiền lãi từ nuôi cá bóp, cá hường, tôm hùm… giờ anh Hiếu quyết định sẽ bỏ tiền tỷ đóng bè vừa nuôi hải sản vừa kết hợp kinh doanh du lịch. “Tôi thấy chính quyền khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nhất là đẩy mạnh làm du lịch nhờ lợi thế địa phương vùng biển, nên tôi quyết định bỏ thêm vốn đầu tư lĩnh vực này” - anh Phương chia sẻ.
Chuyển dịch đúng hướng
Năm 2017, cơ cấu nông nghiệp TP.HCM vẫn tiếp tục theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhưng nội bộ từng lĩnh vực có sự chuyển dịch phù hợp, như: Chuyển từ đất lúa và mía năng suất thấp sang cây trồng giá trị cao (rau, hoa cây kiểng...) và chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân.
Nhờ tăng cường chuyển đổi sang các cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, nên giá trị sản xuất bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,8% so cùng kỳ 2016 (410 triệu đồng/ha/năm).
Giờ đây, vùng nông thôn ngoại thành đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Trồng lan cắt cành ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9; nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi; nuôi cá ở quận 12, Củ Chi, Bình Chánh; vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi; vùng nuôi cá, tôm tại Cần Giờ...
Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, nuôi trồng thủy sản đang là hướng phát triển chủ lực của Cần Giờ. Riêng con tôm đang được chú ý, thu hút đầu tư nhiều nhất do điều kiện thuận lợi để phát triển. Hàng năm có hơn 6.000ha đất được đưa vào nuôi tôm với 3.200ha nuôi quảng canh, 2.800ha nuôi sinh thái dưới tán lá rừng. Mỗi năm sản lượng nuôi tôm trên 13.800 tấn, giá trị gần 1.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mô hình nuôi nghêu, sò ốc hương, hàu… cũng phát triển mạnh mẽ. Nhờ cách nuôi mới với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng đã giúp nuôi nhuyễn thể mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh khuyến khích nông dân nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương còn khuyến khuyến, hỗ trợ nông dân làm du lịch nhằm khai thác lợi thế địa phương.
Theo ông Lê Minh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội, trọng tâm là huy động nguồn lực từ nhân dân cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Theo: Trần Đáng/danviet.vn