Nông thôn mới từ ấp
- Thứ tư - 01/04/2015 00:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những khó khăn “căn bản” đó lại tạo điều kiện cho địa phương này có nhiều sáng kiến hay, nỗ lực xây dựng NTM từ “tuyến dưới” là các ấp trong xã.
Tuyến đê nội đồng vừa hoàn thành ở ấp Hiếu Trung A.
“Cái khó ló cái khôn”
Xã Hiếu Nghĩa là địa bàn xa nhất của huyện Vũng Liêm, đơn vị hành chính xuống cấp và phải chịu cảnh “hai nơi”- Đảng ủy và khối vận một nơi, còn UBND xã thì một nơi. Cho nên, ngay trong khâu quản lý công tác cán bộ cũng khó.
Còn về phân giới hành chính có 9 ấp, phân bố trên địa hình không bằng phẳng, ảnh hưởng nhiều trong việc chỉ đạo sản xuất. Ví dụ như các cống chính nằm trên Đường tỉnh 907 và 906; ngược lại các cống chính nội đồng đa phần nằm vùng sâu.
Còn các ấp giữa như: Hiếu Nhân, Hiếu Tín, Hiếu Trung A, Hiếu Ân, Hiếu Thảo phần lớn là đất gò nên dù có chỉ đạo sản xuất xuống giống đồng loạt thì các nơi gò đi trước, trong khi hệ thống kinh cống chưa được đảm bảo.
Ông Huỳnh Thanh Nhân- Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa, cho rằng: “Về tổng thể khó khăn vậy, riêng vấn đề thủy lợi nội đồng kết hợp đê bao giao thông, theo chủ trương Đảng bộ hàng năm, thủy lợi phí chỉ được 20% là đầu tư từ Nhà nước, phần còn lại là đóng góp của bà con nông dân. Nếu trông chờ đầu tư từ trên thì không thể đạt được tiêu chí sớm, trong khi tình hình thực tế thì rất bức thiết.
Do đó, từ năm 2012 xã chủ trương cho các ấp triển khai bán đồng cho vịt (thu tiền cho vịt ăn đồng). Cho đến nay, thực hiện trên 7 ấp, số tiền thu được trên 500 triệu đồng, cộng với thủy lợi phí khoảng gần 50 triệu đồng/năm, các ấp đã dần hoàn thiện hệ thống đê bao giao thông nội đồng”.
Đây là sáng kiến hay, đem lại lợi ích to lớn nhưng không phải là dễ thực hiện, nếu không có những bí thư, trưởng ấp năng động, chịu khó và có cách làm minh bạch, công tâm. 1 công ruộng khi gặt xong, bán cho các chủ vịt chạy đồng trung bình khoảng 30.000đ (chỉ tính 2 vụ là Hè Thu và Thu Đông).
Nếu một người có vài ba công ruộng, thì đâu có bao nhiêu tiền, nhưng cả ấp cộng lại hàng trăm hecta, thì số tiền trở nên kha khá, có thể làm được nhiều việc.
Xây dựng tiêu chí cho... ấp
Đang vào những ngày gieo sạ, mà con nước mùng 10 gặp gió nên các kinh nội đồng nước ngập lênh láng, anh Lê Hoàng Vũ- cán bộ nông nghiệp của xã, nói rằng: Giờ này, mấy ông trưởng ấp đang ngoài ruộng, cứ thẳng ra đó sẽ gặp.
Quả đúng vậy, chạy về kinh Chín Phi ở ấp Hiếu Trung A thì vừa gặp ông Lê Văn Cắp Tăng- Bí thư ấp vừa thở, vừa nói: “Sáng giờ lo sạ thuốc diệt mầm 8 công ruộng, chưa có hột cơm trong bụng”. Vậy mà khi chúng tôi đề nghị đi thăm công trình đê bao giao thông nội đồng vừa hoàn thành, ông sốt sắng dẫn chúng tôi đi mút chỉ con đường xuyên đồng gần cây số.
Từ trái qua: Ông Huỳnh Thanh Nhân- Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa, anh Lê Hoàng Vũ và ông Huỳnh Minh Trung- Bí thư, Trưởng ấp Hiếu Nhân, thăm các tuyến đê bao nội đồng.
Ông Lê Văn Cắp Tăng cho biết, ấp Hiếu Trung A triển khai bán đồng cho chủ vịt từ năm 2013. Đến năm vừa rồi, coi như gần giáp các tuyến đê bao nội đồng cho 5 con kinh sườn và 2 tuyến kinh ngang.
Chúng tôi đang đi trên con đê vừa mới hoàn thành. Mọi năm, giờ này bà con phải nhận gàu thùng be bờ theo từng đoạn, đê bao không bảo đảm, đường đi đứt khúc, việc đi lại khó khăn lắm, mấy em học sinh lội té lên, té xuống đến trường ướt mem quần áo.
Theo ông Lê Văn Cắp Tăng, bây giờ bà con mừng lắm, hồi mới vận động rất gian nan, nhiều người không đồng tình, phải kiên trì đến khi làm được công trình cụ thể cho bà con thấy, thì mọi chuyện trở nên dễ dàng.
Ngoài việc đầu tư cho các tuyến đê bao, ấp Hiếu Trung A còn làm được 3 cổng an ninh và các tuyến đèn đường, bảo đảm ánh sáng an toàn giao thông và an ninh trật tự xóm ấp.
Cũng câu chuyện bán đồng cho vịt, nhưng ở ấp Hiếu Nhân lại gợi mở ra nhiều vấn đề rất hay. Bí thư, Trưởng ấp Hiếu Nhân Huỳnh Minh Trung- nguyên Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa vừa gặp tôi đã nói đùa: “Về hưu rồi mà anh em chưa chịu “nhả” cho khỏe thân già”.
Nói vậy thôi, ở tuổi ngoài 60 nhưng ông vẫn còn “gồng” nổi 12 công ruộng và “gánh” cả chuyện nhỏ, chuyện to của cái ấp này. Cũng như khi bàn chuyện NTM, ông cũng còn “máu” lắm. Theo ông, thực ra chủ trương bán đồng cho chủ vịt đã có từ nhiều năm trước nhưng không thực hiện được, bởi dân không đồng tình.
Khi về nhận nhiệm vụ ở ấp, việc đầu tiên là ông thuyết phục dân bằng một kế hoạch cụ thể, như trong từng giai đoạn chúng ta sẽ làm công trình nào, kinh phí bao nhiêu, hiệu quả của nó ra sao?
Từ năm 2012 đến nay, với số tiền tổng thu được khoảng 95 triệu đồng, ấp Hiếu Nhân đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống kinh nội đồng kết hợp 3 yếu tố: đê bao, thủy lợi, giao thông, với tổng chiều dài trên 6.400m.
Nhưng câu chuyện đáng ngạc nhiên là ông Huỳnh Minh Trung đã xây dựng riêng cho ấp 16 tiêu chí NTM, với kế hoạch từng giai đoạn cho từng tiêu chí, làm sao ấp phải đạt “ấp NTM trong năm 2018”, cũng như cơ sở ghé vai sẻ bớt gánh nặng cho cấp xã vậy.
Ngoài chuyện “ấp NTM”, ấp Hiếu Nhân còn gợi cho tôi suy nghĩ vấn đề sử dụng năng lực, chất xám của những cán bộ về hưu ở xóm ấp.
Ông Phan Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa cho biết: Trong 2 năm 2013 và 2014, xã đã thực hiện 27 tuyến kinh nội đồng, với chiều dài là 14.866m, tổng kinh phí là trên 241 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 176 triệu đồng. Năm 2015, sẽ tiếp tục thực hiện 7 tuyến kinh nội đồng ở 5 ấp, với chiều dài 3.814m, tổng kinh phí trên 100 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 71 triệu đồng |
Theo: tintucmientay.com.vn